Hãy sống vui vẻ với những điều ta yêu thích,những điều ta muốn khám phá,những việc ta muốn làm trong khuôn khổ cho phép của thời gian!

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Hát ghẹo

Phong tục tập quán


Hát ghẹo ở huyện Tam Nông và Thanh Sơn cũng như hát xoan đã trở thành sản phẩm riêng của Phú Thọ. Nó mang phong cách đậm đà màu sắc địa phương, phát triển liền mạch theo thời gian. Cứ vậy, hát ghẹo Phú Thọ không bị lẫn với hát ghẹo ở bất cứ nơi nào.
Hát Ghẹo là lối hát tục nước nghĩa (kết nghĩa) trong ngày hội của các làng Nam Cường xã Thanh Uyên, Bảo Vệ xã Hương Nộn (Tam Nông), Hùng Nhĩ ( Thanh Sơn). Họ quan hệ với nhau theo quy định, năm nay làng này mời, năm sau làng kia mời, theo chu kì hai năm đến lượt một lần.
hat gheo phu tho1 Tìm hiểu về Hát Ghẹo Phú Thọ
Hát Ghẹo ngày nay
Nơi sở tại chọn nữ hát, nơi được mời cử một đội nam sang hát. Hát Ghẹo cũng hát trong ngày hội, nhưng không hát ở đình làng như Hát Xoan, mà sau khi tế lễ xong ở đình thì về một gia đình nhà cửa khang trang, sân rộng làm nơi tổ chức hát. Các quan khách, ông Trùm và các anh bên được mời ngồi ở sập hoặc trên giường gian giữa, làng sở tại bà Trùm và các chị trải chiếu ngồi trên nền nhà hoặc trên giường gian bên. Khi hát thường đối đáp hai người nhìn vào mặt nhau vừa hát, vừa thể hiện tình cảm. Dân  làng chỉ vây quanh xem tỏ thái độ tán thưởng không tham gia vào cuộc hát. Hát Ghẹo không có nhạc cụ, trống phách đệm và cũng không có múa, diễn kèm theo.
Mỗi cuộc Hát Ghẹo đều có tổ chức hát thi giữa hai làng nước nghĩa, nhưng không trao giải chỉ để cuộc hát thêm hào hứng, hấp dẫn . Có hai loại thi, thi câu và thi giọng. Để tính điểm họ dùng một cái lạt tre hoặc thanh đóm mỗi lần hát bẻ một khúc gọi là bẻ cò. Bên thua phải lấy trang phục như khăn, áo hoặc một vật nào đó trao cho bên được. Hát xong bên được trả lại các thứ đó cho  bên thua.
Mỗi cuộc Hát Ghẹo từ chập tối đến sáng hôm sau, trọn một đêm.
Về nguồn gốc Hát Ghẹo các cụ nghệ nhân kể: Ngày xưa, làng Hùng Nhĩ có nhiều rừng, nhiều gỗ quý, ruộng đất xấu trồng trọt thu hoạch kém. Làng Bảo Vệ nằm dọc theo sông Thao đất phì nhiêu lại không bị thú rừng phá nên luôn được mùa, nhưng không có rừng, thiếu gỗ làm nhà. Do vậy hai bên kết nghĩa giúp nhau. Hùng Nhĩ mất mùa, Bảo Vệ giúp tiền, giúp lúa. Bảo Vệ cần gỗ làm nhà, Hùng Nhĩ chọn gỗ quý gửi ra. Mối quan hệ giữa hai làng ngày càng gắn bó chặt chẽ. Nhân dân đi lại vui chơi, ca hát thành Hát Ghẹo.
Các cụ Nam Cường  kể : Cách đây lâu lắm  đình làng Nam Cường bị cháy. Dân làng Nam Cường phân nhau đi các nơi có rừng để tìm gỗ quý dựng lại đình. Đi nhiều nơi mà vẫn chưa tìm được gỗ tốt, duy có nhóm lên Vàng ( Thanh Sơn) nơi đồng bào Mường ở mới tìm được gỗ quý. Nhân dân trong bản đã giúp đỡ nhân dân Nam Cường chọn những cây gỗ quý nhất đóng bè thả theo dòng sông Bứa ra sông  Thao về Nam Cường. Khi bè đến Hùng Nhĩ thì bị mắc cạn. Nhân dân Hùng Nhĩ kéo ra giúp đỡ, họ khơi dòng sông đưa được bè gỗ ra khỏi chỗ cạn và cùng ngồi trên bè về Nam Cường. Trong lúc lao động và ngồi trên bè họ hát với nhau. Cảm kích trước lòng tốt của nhân dân Hùng Nhĩ hai làng kết nghĩa với nhau . Từ đó hai bên qua lại thăm nhau hát trong ngày hội thành Hát Ghẹo ( theo Truyện dân gian đất Tổ của Bùi Đình Đô- Dương Huy Thiện).
Mỗi cuộc Hát Ghẹo tổ chức theo trình tự sau.
- Cầu hội diện.  Trước ngày hội khoảng một tháng, làng mời các cụ bô lão trong làng tới họp để bàn tổ chức Hát Ghẹo. Ngày họp này gọi là ” Cầu hội diện”. Quy mô tổ chức hội lớn hay nhỏ tuỳ thuộc vào  năm đó được mùa hay không để quy định dân làng đóng góp. Nếu năm nào được mùa dân đóng góp nhiều thì tổ chức to, mời nước nghĩa đến dự. Năm nào mất mùa thì tổ chức nhỏ không mời nước nghĩa. Khi hội nghị các bô lão quyết định mời nước nghĩa dự, thì các cụ cử hai bà đứng tuổi đã tham gia nhiều lần Hát Ghẹo, thuộc nhiều điệu hát để huấn luyện khoảng từ 15 đến 20 cô gái chọn trong làng tuổi 16-20, không bận bựu gia đình, không có tang, người đẹp hát hay, thông minh biết giao tiếp. Bên được mời cũng cử hai ông đứng tuổi biết nhiều giọng điệu  hướng dẫn tốp trai làng trẻ đẹp hát hay để sang dự, số lượng do bên mời quy định.
-Ví đãi trầu.
Phần mở đầu cuộc hát. Trầu được để vào khay hoặc khăn tay, các chị bưng  đến trước mặt các anh mời bằng Ví mời trầu:
 Nữ hát:             
Miếng trầu để đĩa bưng ra
Xin anh nhận lấy để mà thở than.
Miếng trầu để đĩa bưng ra
Có cau có rễ, lòng đà có vôi .
Hay là trầu héo cau ôi
Mà anh lại để trầu mời không ăn…
Cứ thế các cô gái làng lần lượt mời trầu, nhưng các anh không nhận bằng câu hát :
Nam:
Miếng trầu ăn nặng bằng chì
Ăn thì ăn vậy lấy gì trả ơn.
Nữ :
Miếng trầu ăn nhẹ như bông
Ăn thì ăn vậy nhưng không có gì.
Mời mãi rồi các anh cũng phải nhận trầu và chuyển sang :
- Giọng sổng .
Trên một điệu hát, hai bên đối đáp bằng những lời ca khác nhau. Vì thế người hát ở cả hai bên phải thuộc rất nhiều câu ca dao để vận vào cho hợp.
Vì anh em mới tới đây,
Bỗng dưng chiếu trải màn quây giữa nhà.
Hay như
Anh với em như vợ với chồng,
Như bến với sông, như thuyền với lái…
-Sang giọng ( các điệu vặt )
Đây là phần âm nhạc phong phú nhất của Hát Ghẹo . Ở các phần trên  Ví mời trầu, Giọng sổng thời gian hát được kéo dài là ở lời hát, về âm nhạc chỉ có một điệu dài vài chục ô nhịp. Trên nét nhạc ấy được hát bằng rất nhiều lời khác nhau. Hơn nữa điệu nhạc này cũng rất đơn giản,  giai điệu mang tính hát nói, ngâm ngợi, tiết tấu cũng không có gì đặc biệt.
Theo các cụ nghệ nhân cho biết phần sang giọng này có 36 điệu . Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Hoè đã ghi âm được 27 điệu, đây cũng là việc đáng quan tâm cần tiếp tục sưu tầm thêm . Gần đây thực hiện đề tài ” Nghiên cứu, bảo tồn  và phát huy di sản Hát Ghẹo Phú Thọ”, Ngô Thị Xuân Hương ( Chủ nhiệm đề tài) khai thác thêm một điệu Hát Ghẹo mới là Hát đố. Trên tập  Văn nghệ dân gianPhú Thọ, xuất bản 1999, đăng bài Buông áo em ra do cụ Trần Thị Hợi, ở Văn Lang hát, Trần Văn Thục sưu tâm và ghi âm . Ông Thục công bố điệu hát này với hi vọng nhờ các nhạc sĩ cho ý kiến xem có phải là Hát Ghẹo không? Tôi có đọc kĩ, thấy bài này có những nét của Hát ghẹo , nếu tiếp thu ở nơi khác thì cũng đã được Ghẹo hoá. Theo tôi làn điệu này có thể bổ sung vào kho tàng Hát Ghẹo được. Việc làm này của ông Trần Văn Thục đáng quý thể hiện sự trân trọng đối với di sản văn hoá của ông cha ta để lại.
Mỗi điệu hát ở phần Sang giọng này đều là những điệu hát hoàn chỉnh. Nó chứa tất cả những đặc sắc về âm nhạc của Hát Ghẹo. Về giai điệu trong Hát Ghẹo phần nhiều mang tính chất trữ tình, khi du dương bay bổng đằm thắm, khi giãi bày tâm sự, chòng ghẹo, bóng gió…Cùng với cách hát luyến láy mềm mại, rung hơi, rung cổ vang rền nảy hạt làm súc động lòng người. Tiết tấu trong Hát Ghẹo cũng có nhiều âm hình độc đáo, tinh tế.  NS. Nguyễn Đăng Hòe có nhiều năm nghiên cứu Hát Ghẹo đã xuất bản cuốn ” Bước đầu tìm hiểu Hát Ghẹo Vĩnh Phú” năm 1978 đã nhận xét: ”Những loại bài hát này có bản sắc riêng, tính chất riêng, phong cách riêng. Mỗi bài chứa đựng một nội dung tình cảm nhất định không thể lẫn lộn giọng này sang giọng khác, bài này sang bài khác.
Mặc dù kĩ thuật còn đơn giản nhưng nội dung chứa đựng một tình cảm rất dồi dào, cho nên những bài hát ở đây đã đạt đến mức độ cao về nghệ thuật, truyền cảm sâu sắc có thể so sánh với những bài dân ca hay mà chúng ta đã sưu tầm được ở những nơi khác”.
Có những điệu khi được hát lên khắc hoạ rõ nét cảnh sắc vùng đất trung du như điệu Thuyền ai róc rách làm ví dụ. Âm điệu của bài này ta hình dung thấy đồi, gò nhấp nhô, con người được tôn lên hoà cùng với cảnh sắc, thiên nhiên. Ở đây còn thấy những tiếng gọi bạn thân thương, gân gũi, có tiếng róc rách của nước, của cành cây la xuống bên ngòi, khi thuyền luồn lách theo con ngòi nhỏ. Hoặc ở bài Bà rí từ giai điệu đến tiết tấu làm ta cuốn hút lắc lư hào hứng cùng điệu hát.
Người hát ở phần này phải thuộc nhiều điệu, khi hát không cần phải theo thứ tự nào, muốn hát điệu nào trước cũng được, người đáp lại phải hát  đúng điệu ấy chỉ thay bằng lời khác.
Hát hết 36 giọng trời vừa sáng, dân làng dọn cỗ mời các anh ăn, sau đó đến phần hát tiễn chân về quê.
Ví tiễn chân.
Là cuộc hát của các trai gái hai làng tiễn nhau trên đoạn đường dài vài cây số. Họ tiễn nhau bằng những lời hát sâu lắng, quyến luyến chan chứa lòng yêu thương:
Anh về có chốn thở than
Em về ngồi tựa phòng loan một mình.
Hay
Trăm năm gắn bó như nêm
Chữ tình tạc dạ chữ duyên ghi lòng…
Dù bịn rịn, dùng dằng lưu luyến đến đâu chăng nữa cũng phải chia tay. Tình cảm ấy còn mãi trong lòng họ. Có lần cụ Tuân ( nghệ nhân Hát Ghẹo) kể cho tôi nghe : “Sau mỗi cuộc hát chúng tôi nhớ nhau lắm, tuy vẫn thường nhận được tin của nhau nhưng hàng năm chúng tôi tìm mọi cớ để được gặp nhau như, vào Thanh Sơn kiếm củi hoặc ngày mùa vào gặt thuê, hoặc tìm một công việc nào đó chỉ mong để được gặp nhau”. Khi kể lại trong lòng cụ vẫn còn xốn xang, bồi hồi xúc động và cả sự bùi ngùi luyến tiếc một thời Hát Ghẹo đã qua.
Tỉnh Phú Thọ có hai vốn dân ca lâu đời phong phú và đặc sắc, đó là Hát Xoan và Hát Ghẹo. Hát Xoan, vừa qua  Thủ tướng chính giao cho Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch và UBND tỉnh Phú Thọ lập hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hoá của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Theo tôi nghĩ Hát Ghẹo cũng cần được quan tâm đúng mức nhằm giữ gìn, phát triển vốn dân ca này.
Tác giả: NS.CAO KHẮC THUỲ

Không có nhận xét nào:

Email tạm thời bấm vào đây THƠ-BÀI VIẾT-ÂM NHẠC