Hãy sống vui vẻ với những điều ta yêu thích,những điều ta muốn khám phá,những việc ta muốn làm trong khuôn khổ cho phép của thời gian!

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Ông nội tôi thường nhắc:"Tre già măng mọc"



Lũy tre làng hiện hữu có lẽ chỉ còn trong tâm trí của mỗi con người làng quê tôi với lứa tuổi trung niên như chúng tôi.Chỉ khoảng một thời gian không xa khi các thế hệ sau này làm gì có được cảm giác vẫy vùng bơi lội nơi những bờ tre để lần sờ bắt những chú cá rô vào dịp cuối thu.Ký ức tuổi thơ của tôi lớn lên gần gũi vói chuôm,lũy sao mà thân thương đến vậy.Những chiều hè oi ả cùng bạn bè thả trâu về ngụp lặn dưới cừ sao thích thật.
  Tôi vẫn còn nhớ dạo còn bé mỗi lần nghe ông nội tôi kể về thời kỳ phá đầm,lũy tre của làng vào khoảng năm 1950 do giặc Pháp chặt phá,chúng đốt cây cối rồi quét vôi trắng vào nơi chặt phá nhằm ngăn chặn cán bộ cách mạng hoạt động trú ẩn ở đó nhằm triệt hạ những người đảng viên chân chính.Nghe nội tôi kể sau khi chặt phá lũy tre làng và khủng bố ,vây giáp,thả bom xuống chợ " Xốm" ,giếng làng ...,lúc ấy hầu hết mọi người tham gia chống giặc có phần hoang mang lo sợ chúng dùng chỉ điểm lùng bắt đe dọa dụ dỗ những gia đình tham gia kháng chiến , dựng lại chính quyền tay sai cho chúng.Thật đau lòng biết bao một làng quê văn hiến từ hàng trăm năm về trước,chúng dùng ngay họ hàng ,người thân để đe dọa chính vì thế mà cơ sở hoạt động cách mạng ở quê tôi lúc ấy tưởng chừng như xóa trắng như những gốc cây bị đốt phá được quét vôi kia!


Thật là kỳ diệu thật đáng tự hào biết bao! thực cảm động vô cùng khi được nghe ông tôi kể tiếp: "Cháu à gia đình nhà ta tuy nghèo nhưng luôn làm những việc vì tình vì nghĩa.Anh ruột của ông đã cương quyết không chịu đầu hàng giặc.Chính vì thế chúng đã bắt ông để đe dọa dụ dỗ anh trai ông về đầu hàng ,chúng đã trói ông vào một gốc cây ở sau vườn chùa gần chỗ quán nội bây giờ mà cháu biết,chúng định bắn ông đó." Tôi thật thót tim nghe ông kể đến đoạn đó,tôi hỏi ông ơi thế sau thì sao ? chúng có bắn ông không a!.Ông chậm rãi nói :"Rất may cho ông là thần, phật đã giúp người lương thiện cháu à .Sau khi trói ông vào gốc cây ở đó nhưng chính nhờ quả đu đủ chín ở vườn chùa bọn giặc cướp đó đã mải đến hái ăn nhờ thế mà ông đã cởi được dây trói rồi trườn ngay xuống đầm.Chính nhờ đầm ao mà nội tôi đã thoát được khỏi bàn tay hung bạo của bọn tay sai...Cũng trong thời điểm này chúng đã bắt hết dân làng ra sân đình để khảo tra... Bọn Pháp và tay sai lúc đó dựa bào bọn chỉ điểm trong làng đã bắt gần như hết những cán bộ cách mạng.Duy nhất lúc đó anh trai của ông nội tôi đã quyết chí không về với giặc.Dựa vào gia đình,dựa vào người em ruột của mình lo lắng gia đình nên anh trai của ông nội tôi đã tiếp tục tạm thời lánh địch khoảng 3 tháng rồi tiếp tục trở lại làng đào hầm xây dựng cơ sở,gây dựng lại phong trào tưởng chừng như xóa trắng ấy.Thực tế gia đình tôi lúc đó rất cơ hàn,song vì cách mạng vì kháng chiến cả bà nội tôi,bố tôi cũng sẵn sàng làm giao liên cho cách mạng.Thấm nhuần tư tưởng kháng chiến kiến quốc của Đảng và Bác Hồ kính yêu phong trào cách mạng quê tôi đã bừng lại khí thế.Nghe nội tôi kể mà thấy rất đỗi tự hào tôi rất hạnh phúc vì truyền thống gia đình mình Không chỉ lo nuôi con,nội tôi lúc ấy thương các cháu ruột của mình chẳng khác con mình.Ông dạy các cháu lao động giúp đỡ mẹ kiếm cá,làm lụng vất vả quanh năm,rèn cho các cháu biết yêu quý gia đình,biết tôn trọng pháp luật,biết giữ gìn truyền thống gia đình.Ông nội tôi có lúc cũng trầm tư kể:"Gia đình mình lúc ấy chỉ có bố cháu,chú ruột cháu và 4 bác (con anh trai nội tôi) thì có 5 người con cháu tham gia kháng chiến chống mỹ cứu nước .Có những lúc ngồi trầm tư ông như những người lẩn thẩn lo cho 2 con và 3 cháu đang tham gia chống Mỹ,nhiều lần ông ngồi ở một nơi vắng nhớ con nhớ cháu ông đã khóc một mình ... Và điều vui mừng đã lại trở về với gia đình chúng tôi ông nội tôi kể tiếp:"Đến 1972 khi người cháu ruột được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang,một cháu thứ 2 chiến đấu dũng cảm trở thành 1 thương binh đã trở về từ mặt trận phía nam,một người cháu là bộ đội xe tăng tiếp tục tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.Hai con trai cũng lần lượt xuất ngũ trở về chuyển ngành sau chiến tranh chống Mỹ cứu nước thắng lợi.Ông nội tôi vui mừng khôn xiết,cả gia đình tôi cũng vui mừng"    Ngày 30 tháng tư năm 1975 ,cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã thắng lợi hoàn toàn.Niềm vui hạnh phúc đoàn tụ các gia đình đã và đang bắt đầu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.Tưởng chừng đất nước ta ,dân tộc ta được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc.Thế nhưng lúc ấy đất nước ta lại lâm vào khủng hoảng kinh tế do bị bao vây cấm vận.Tôi nhớ rất rõ nhà tôi lúc đó có tới 11 khẩu chính vì thế để lo ngày 2 bữa cơm rau,sắn ,khoai cũng cả một vấn đề...Ông nội tôi luôn chỉ bảo con cháu tích cực học tập lao động,ngoài giờ tới trường phải tham gia lao động giúp gia đình tăng gia sản xuất,ông vẫn tiếp tục tham gia lao động làm nghề thợ mộc tới lúc ngoài 70 tuôi vì yếu quá ông mới nghỉ ở nhà làm việc nhà.Ông may vá cho anh em chúng tôi khéo vô cùng ,bây giờ tôi vẫn nhớ như in hình ảnh ông may cho tôi chiếc áo bà ba nâu từ mảnh áo cũ của ông cho tôi.Điều thú vị nhất có lẽ là kỉ niệm khó quên nhất đối với tôi về ông là việc ông còn chỉ dạy cho tôi đóng chiếc cối xay lúa trước khi 5 tháng ông mất vào tháng 10 năm 1987.Ông tôi đã mất khi tôi bắt đầu là một sinh viên sư phạm được một tháng.Ông luôn nghĩ về con cháu về mọi người.Mỗi lần nhắc tới ông tâm trí tôi vô cùng kính trọng và tự hào vì có người ông suốt đời lo lắng cho thế hệ tương lai......
THƠ-BÀI VIẾT-ÂM NHẠC

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

DÒNG HỌ CỔ VIỆT NAM

Đó là dòng họ duy nhất còn giữ lại được ngọc phả chứng minh cụ tổ của dòng tộc mình đã được sinh ra và có công giúp Hùng Vương dựng nước và giữ nước.
    “Nếu đến năm 2015 mà dòng họ Nguyễn và dòng họ Cao không tìm được thấy ngọc phả của mình, thì dòng họ Ma sẽ được ghi nhận là dòng họ lâu đời nhất ở Việt Nam”, ông Ma Ngọc Bảo, tộc trưởng dòng họ Ma ở Phú Thọ tự hào cho biết.
    Huyền tích Ma tộc, Ma Thành
    Một chiều đầu xuân nắng nhẹ, nhân có chuyến công tác tại TP. Việt Trì, Phú Thọ, tôi chạy xe lòng vòng dạo quanh nơi các Vua Hùng đã có công dựng nước cho con cháu rồng tiên ngàn đời an cư lạc nghiệp. Bất chợt trong giây lát, tôi nhớ đến một dòng họ mà người ta vẫn nôm na định nghĩa về nó là dòng họ duy nhất ở Việt Nam hiện nay có ngọc phả từ thời Hùng Vương. Tò mò những câu chuyện về một dòng họ xuất hiện từ thời đại mở nước, tôi quay xe vòng qua phường Gia Cẩm, nơi gia đình ông tộc trưởng dòng họ sinh sống theo lời chỉ dẫn của những người dân nơi đây. Họ khẳng định: “Muốn nghe chuyện dòng họ Ma thì chỉ có đến nhà ông Ma Ngọc Bảo”.
    Đền Trù Mật ở thị xã Phú Thọ, nơi thờ tộc trưởng đời thứ 43 và còn lưu giữ thanh đao của dòng họ.
    Đền Trù Mật ở thị xã Phú Thọ, nơi thờ tộc trưởng đời thứ 43 và còn lưu giữ thanh đao của dòng họ.
    Dáng cao gầy, khuôn mặt rạng rỡ với nụ cười thân thiện, ông Bảo trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi 76 mà tôi được biết. Thấy tôi giới thiệu là phóng viên, muốn đến nghe ông chia sẻ những câu chuyện thú vị quanh dòng họ của mình, nét mặt ông ánh lên niềm tự hào khó diễn tả. Ông mời tôi ngồi, pha tách trà nóng và đi ngay lên tầng ba mang xuống một tập tài liệu dày. Ông cười mà rằng: “Không có cái này, mình khó ăn nói với thiên hạ về việc dòng họ đã có từ thời Vua Hùng lắm”.
    Ông Bảo cho biết: “Trong mười tám chi họ Hùng tồn tại ở Việt Nam với gần chín mươi đời vua thì cụ tổ Ma Khê của dòng họ là con Hùng Nghị Vương thứ ba năm 354 trước Công nguyên, thuộc đời Hùng Vương thứ 17. Họ Ma là người dân tộc Tày, định cư chủ yếu ở vùng núi Đọi, ven sông Thao, nay thuộc đất Cẩm Khê, Phú Thọ. Cụ tổ Ma Khê là người tài đức song toàn, từ nhỏ đã bộc lộ nhiều khả năng xuất chúng. Năm 18 tuổi, ông đã thay cha giữ chức tộc trưởng đứng đầu bộ tộc Tày núi Đọi. Đến đời Hùng Vương thứ 18, gặp lúc trong nước có giặc, ông đã mang dân binh Ma tộc về giúp vua Hùng đánh giặc, lập nên nhiều chiến công lớn, được Hùng Duệ Vương yêu mến và phong chức Đại tướng quân. Sau đó, ông được giao nhiệm vụ trấn thủ đất Phong Châu, đóng quân ở ngã ba sông Bạch Hạc. Với nhiều công lao to lớn, Ma Khê được Hùng Duệ Vương thứ hai phong cho đến chức Phụ Quốc Ma Vương Đại Thần, Đại Tướng Quân và triệu về triều đình giúp vua trị nước an dân.
    Nhân dân bộ tộc núi Đọi rất tự hào về ông và dần dần người ta tự đổi tên vùng đất mình sống thành đất Ma Khê. Bất cứ ai, đi đến đâu chỉ cần nói là người vùng Ma Khê thì thiên hạ cúi đầu nể phục. Trải qua hàng nghìn năm, vùng đất này được mở rộng và thành tên Ma Khê. Đến thời đất nước chia nhiều quận huyện thì gọi là huyện Ma Khê, có triều đại đổi thành huyện Hoa Khê, và cuối cùng là cái tên Cẩm Khê như ngày nay.
    Sau đời cụ tổ Ma Khê thành danh, có nhiều công lao giúp rạng danh vua Hùng, họ Ma đã lui về ở ẩn và chuyên tâm làm nông nghiệp. Đến đời thứ 43 của dòng họ, Ma Xuân Trường (930 – 966) đã lại một lần nữa giúp dòng tộc họ Ma trở nên rạng danh với nước nhà. Đó là vào thời điểm khi nhà Ngô tan rã, đất nước ta rơi vào loạn mười hai sứ quân. Vùng phía Bắc lúc này do một người là Kiều Thuận cai quản với một vị tướng dưới quyền là Ma Xuân Trường. Trong loạn chiến, khi Kiều Thuận bị thương, Ma Xuân Trường đã kịp thời giải cứu và đưa cả họ tộc chạy lên vùng Tuần Quán, Yên Bái và tạ thế tại đây. Hiện nay, ở Yên Bái vẫn còn di tích đền thờ ông. Sau khi lên ngôi, Đinh Bộ Lĩnh đã không truy cứu Kiều Thuận mà còn phong danh hiệu Trung quân ái quốc và ban cho dân lập đền thờ tại TX. Phú Thọ ngày nay.
    Cụ tổ Ma Khê là một trong bốn vị tướng quốc nổi tiếng thời đại Hùng Duệ Vương. Ba vị còn lại bao gồm Cao Sơn, Quý Minh và Nguyễn Tuấn. Tuy nhiên, do dòng họ Nguyễn và dòng họ Cao chưa tìm thấy ngọc phả của mình nên trên danh nghĩa thì dòng họ Ma vẫn được ghi nhận là dòng họ tồn tại lâu đời nhất ở Việt Nam cho đến nay. Ông Bảo tự hào cho biết: “Sau nhiều nghiên cứu và trải qua các cuộc hội thảo được thẩm định bởi nhiều nhà sử học nổi tiếng trong nước đã công bố thì đến năm 2015, nếu như không có dòng họ nào tìm được ngọc phả, dòng họ Ma sẽ là dòng họ duy nhất được công nhận là đã tồn tại từ thời vua Hùng. Đây là một vinh dự lớn cho dòng họ Ma ở Việt Nam”.
    Dòng họ duy nhất còn ngọc phả từ thời Hùng Vương
    Ông Bảo lần giở những trang chữ viết tay nắn nót gọn gàng xúc tích ghi đầy đủ tên, năm sinh, năm mất của 79 đời dòng họ Ma tồn tại ở Việt Nam từ xưa đến nay. Ông cho biết: “Đến đời cháu nội tôi hiện giờ là đời thứ 79 của dòng họ. Cũng may thời chiến tranh, khi các bản gốc của gia phả bị thất lạc thì thân sinh của tôi là cụ Ma Văn Thực (1917 – 2004) đã kịp chuyển tải tất cả các thông tin sang chữ quốc ngữ. Đến đời tôi, khi được giao giữ trọng trách tộc trưởng đã rút kinh nghiệm hơn, tôi đem sao lưu gia phả thành nhiều cuốn và phát cho các chi nhánh dòng họ Ma ở Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái …
    Thanh đao của dòng họ Ma còn lưu giữ tại đền Trù Mật.
    Thanh đao của dòng họ Ma còn lưu giữ tại đền Trù Mật.
    Nhiều điển tích xung quanh dòng họ Ma vẫn tồn tại ở khắp vùng Phú Thọ và các tỉnh miền núi phía Bắc lân cận từ Yên Bái, sang Tuyên Quang, Lào Cai… Họ Ma khi phát triển hưng thịnh nhất thời Hùng Vương cũng đã xây dựng được thành lũy gọi là Ma Thành. Ngày nay vẫn còn một quãng dài gần 1km từ đầu ghi xe lửa đường vào đền Trù Mật xuôi xuống đến nhà máy bột sắn Phú Thọ. Nếu nhìn kỹ vẫn còn nhận rõ hình chân thành cổ Ma Thành. Trong thị xã Phú Thọ, khi nhiều người đào giếng và móng xây nhà vẫn còn thấy những viên gạch cổ to bằng viên đá ong nung chín như sành. Đó chính là dấu tích của gạch xây trên tường thành còn sót lại. Để tránh từ Ma, nhiều tên đất tên sông thời này được đổi sang Mè, nay vẫn còn làng Mè, chợ Mè, bến sông Mè… Tất cả những chứng tích đó đã giúp củng cố vào gia phả của dòng họ Ma và thêm khẳng định đây là dòng họ đã hình thành và tồn tại từ thời Hùng Vương mở nước.
    Hiện nay ở đền Trù Mật, TX. Phú Thọ – nơi thờ tộc trưởng thứ 43 của dòng họ Ma là Ma Xuân Trường vẫn còn lưu giữ những cuốn sách đã ngả màu thời gian. Chất giấy cổ từ ngàn xưa đã có phần mủn mục, có cảm giác như chỉ chạm nhẹ tay vào cũng sẽ làm cho tất cả vỡ tan hết. Bởi thế, những gì là lịch sử, là ngọc phả ở nơi đây còn sót lại được người dân nhất là con cháu dòng họ Ma vô cùng nâng niu, gìn giữ và trân trọng.
    Nhà nghiên cứu sử học Đào Duy Anh đã từng gọi truyền thuyết về Ma Khê của dòng họ Ma là “truyền thuyết khuyết sử”. Nhưng với dòng họ Ma nói riêng thì câu chuyện truyền thuyết ấy lại có ý nghĩa vô cùng to lớn và là niềm tự hào của mỗi người con dòng họ.
    (BNDT)

    Tin liên quan
    Lịch sử Việt Nam

    Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

    Cách đặt tên các dân tộc Việt Nam

    CÁCH DÙNG HỌ VÀ TÊN
    CỦA CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM


    NGUYỄN KHÔI
    LỜI DẪN :
    Nguyễn Khôi vừa cho phát hành cuốn Các Dân Tộc Ở Việt Nam Cách Dùng Họ Và Đặt Tên , Nhà Xuất Bản Văn Hoá Dân Tộc, Hà Nội - 2006 . Cách dùng họ và đặt tên của Việt nam rất độc đáo , nó mang đặc sắc văn hoá Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.Chúng tôi xin trích giới thiệu 6 bài trên 54 bài về giải mã họ và tên 54 tộc người ở Việt nam.
    - Dân tộc Ê Đê
    - Dân tộc Chăm
    - Dân tộc Thái - Dân tộc Mường
    - Dân tộc Mông
    - Dân tộc Khơ Me


    1 - DÂN TỘC ÊĐÊ
    Ê Đê có nghĩa là người sống trong rừng tre . Dân tộc Ê Đê có trên 270 nghìn người , cư trú tập trung ở Đắc Lắc , Gia Lai , Khánh Hoà và Phú Yên.

    Các nhóm địa phương gồm : Rađe Đe, Kpa, Adham, Krung, Ktul, Đlie, HrueBlô, Epan, Mdhuna,Bih.

    Về kinh tế đồng bào này làm nương rẫy , nhóm Bih làm ruộng nước dùng trâu giẫm đất thay cho cày cuốc , ngoài ra là chăn nuôi, săn bắn , dệt...

    Tổ chức đời sống chặt chẽ. Làng gọi là " Buôn" , các địa danh gọi tên rất gợi như " Buôn chư mơ ga " nghĩa là làng núi lửa., Sông Đực, Sông Cái , Sông Tóc... Gia đình theo mẫu hệ, chủ nhà là phụ nữ . Con cái mang họ mẹ , con trai không được hưởng thừa kế. đàn ông ở nhà vợ. Nếu vợ chết mà bên nhà vợ không còn ai thay thế thì người chồng phải về ở với chị em gái mình. Nếu chết , được chôn bên người thân của mẹ đẻ.

    Nhà ở của người Êđê là nhà sàn và nhà sài. Trang phục màu chàm có điểm các hoa văn sặc sỡ . đàn bà mặc váy áo , đàn ông đóng khố mặc áo . Ngày xa có tục cà 6 răng cửa hàm trên. Người Êđê rất thích uống rượu cần , đặc biệt là vào các dịp lễ tết. Về tín ngưỡng , thờ nhiều thần linh. Người Êđê có kho tàng văn hoá đồ sộ to lớn như các sử thi " Khan Đam San " , cồng chiêng cũng rất nổi tiếng , đã được Unesco công nhận là văn hoá phi vật thể của nhân loại.

    Người Êđê có Lễ đặt tên. Khi đứa trẻ sinh ra trong vòng một tháng , gia đình sửa soạn đồ cúng để làm lễ đặt tên cho trẻ.Thầy cúng hướng dẫn gia đình chuẩn bị lễ vật . Họ quan niệm : Khi mới sinh ra , con người cha có hồn , nên lúc đặt tên là lúc nhập hồn cho đứa trẻ . Gia đình sẽ chọn rất nhiều tên trong dòng tộc của ông bà nội ngoại , tên những người tài giỏi , có uy tín được lấy để đặt tên cho đứa trẻ. Ý nghĩa việc này là mong trẻ mới sinh ra được nhập hồn của một trong những người tài giỏi của dòng họ. Muốn làm được như thế , người trong nhà khi đi mời thày cúng sẽ nói trước với thày cúng những tên dự kiến đó để thày cũng nhập tâm . Lễ vật cho lễ đặt tên thường là một con gà , một ché rượu . Lễ được tổ chức vào đêm khuya, khoảng 11-12 giờ đêm., khi cả buôn đã đi ngủ thì bắt đầu làm lễ . Ché rượu được đặt vào cột chính gian trước , lễ vật đặt phía đông. Thày cúng ngồi đối diện với ché rượu , quay mặt về phía đông để cúng.

    Thầy khấn: " Ơ Yàng , hiện giờ gia đình đã dâng lên một con gà , một chén rượu để làm lễ đặt tên cho con. Mời tất cả các Yàng về uống rượu , ăn thịt , giúp đỡ cho trẻ ăn no , chóng khoẻ, không khóc. Mời các ông , các bà trong dòng tộc của gia đình : Mảng , Ma Choá , Mí Thơ, Mí Thơm, Ma Đam ... về ăn thịt, uống rượu , giúp đỡ cho trẻ lớn... ". Thày cúng khấn đến tên nào, đứa trẻ không thấy khóc lại tỏ ý thích thúc (vui) thì gia đình sẽ lấy tên đó để đặt tên cho trẻ. Khi cúng xong , cả gia đình và thày cũng sẽ ăn cơm , ăn thịt gà , uống rượu . Sau khi ăn uống xong thì toàn bộ xương , lòng , lông gà , cơm dư thừa sẽ được gói lại cẩn thận, ché rượu úp xuống , bỏ lại gian khách (tiếng ÊĐê là Gah) của gia đình đúng 3 ngày . Sở dĩ làm thế , bởi người Êđe quan niệm rằng con người khi mới sinh còn rất yếu ớt, mới được nhập hồn người chết còn rất mỏng , nên phải giữ tất cả những lễ vật đã cúng đúng 3 ngày rồi mới mang đi thả xuống suối. Khi đó hồn mớí nhập hoàn toàn vào trẻ mới sinh.

    Các họ của người Êđê :

    Adrâng, Ayun, Ayun C, Ayun Tul H, Wing Atul, Atul Buon Yah, Buon Krong , Duot, Eban, Eban Rah Lan, Eman, Emo, Enoul, Hđok, Hrue, Hmok, Hwing, Jdrong, Ktub, Kebour, Knul, Kpa, Kpor, Ksor, Ktla, Ktul, Mjao, Mlo, Mlo Duon Du , Mlo Hut, Mlo Ksei, Nie Blo, Nie Buon Dap, Nie Buon Rit, Nie Cam , Nie Mkriek, Nie Mla, Nie Mlo, Nie Sieng, Nie Sor , Nie Sok , Nie To, Nie Trang ...

    Xin có ví dụ :

    . Nam : Y Ngong Nie Dam ( 4 chữ này có nghĩa là Trai - Tên - Họ - Chi họ)
    . Nữ : Hlinh Mlo Duon Du ( 4 chữ này có nghĩa là Gái -Tên - Họ - Chi họ)

    Người Êđê xưng hô : Khi vợ chồng có con thì gọi theo tên con . Tục này có ở nhiều dân tộc , kể cả người Kinh , ví dụ Ma Thuột có nghĩa là Bố thằng Thuột. Chính về thế mới có tên " Buôn Ma Thuột ) tức là làng bố thằng Thuột , nên nay có thành phố Buôn Ma Thuột . Còn nếu gọi Ban mê Thuột là gọi theo tiếng Lào có nghĩa là mẹ thằng Thuột.
    Như vậy dùng tên con để gọi bố mẹ . Thật là độc đáo bản sắc văn hoá Việt nam ./.

    2 - DÂN TỘC CHĂM
    Dân tộc Chăm có trên 132 nghìn người. Sống ở Ninh Thuận ( 50%), Bình Thuận, An Giang, Đồng Nai , Sài Gòn, . Người Chăm là cư dân bản địa lâu đời.
    Đồng bào trồng lúa nước thâm canh có trình độ cao. Các nghề thủ công như đồ gốm , dệt thổ cẩm rất nổi tiếng.

    Người Chăm theo chế độ mẫu hệ . Mỗi làng có từ 1000 đến 8000 người.
    Văn hoá nghệ thuật rất phong phú với các sử thi, lễ hội, mua hát , ca nhạc... Tháp Chăm là công trình thờ cúng đặc sắc của người Chăm.

    Cũng như địa danh làng Palei Chăm , tên người của dân tộc Chăm thường có hai (2) tên : tên khai sinh theo hộ khẩu tương tự như người Kinh và tân dân tộc .

    Các họ Chăm : Bá, Bạch , Báo, Bố, Chế, Dương, Đàng, Đạo, Đạt ,Đổng, Fatimah, Hàm , Hán, Hứa, Kiêu, La, Lâm,Lộ, Lu, Ma, Mohâmch, Miêu, Nại , Não, Nguyễn, Ông (ôn), Phú, Qua, Quảng Đại, Samách, Tài , Từ, Thanh, Thập, Thị (nữ), Thiên Sanh, Thiết, Thổ, Trà , Trương, Trượng , Văn.

    Ví dụ Tên thường goi là Phú Trạm (tên dân tộc là Inrasa), Chế Bồng Nga (Ceibingu), Chế Mân (SimhavarmanIII), Phạm Phật (Bhadravarman).
    . Nam: Ka Sô Liêng (Họ - Lót - Tên)
    . Nữ : Sô Mơ Đinh .

    Theo nhà thơ Inrasara thì : Họ ngày xưa của các vua Chăm Pa gồm có :
    . Inđra/Indravarzman
    . Jaya/Jờyinhavarma
    . Cri/Cri Satyavirman
    . Maha/MahaVijaya
    . Rudra/Rudrravarman...

    Ngày nay các họ này vẫn còn được một số người sử dụng :
    . Inra/Patra (là biến thái của inđra)
    . JayaMrang
    . JayaPanrang
    . Inrasara (Inra là sấm , Sara là muối)
    . Puđradang

    Các họ này được phiên âm ra tiếng hán là Chế (Cri) như Chế Mân , Chế Củ, Chế Bồng Nga, Chế Linh , Chế Lan Viên...
    . Họ Ong (hay Ông) như: Ông ích Khiêm,Ông Văn Tùng ...
    . Họ Ma có lẽ phiên âm từ chữ Maha.
    . Họ Trà (có lẽ từ Jaya)

    Bốn họ Ông, Ma , Trà, Chế xưa kia là họ Vua.

    Họ người Chăm bình dân : ở người Chăm thường thì cứ Ja (Nam) hay M (nữ) được đặt trước tên để phân biệt giới tính, nó như Văn nam Thị nữ của người Kinh , thời xa coi đó là họ ?

    Gần đây có khuynh hướng đặt tên cho mình như thế , ví dụ Lờy "nó" làm bút danh như Jantâhrei (nhà nghiên cứu Thiên Sanh Cảnh), Talau (Nhà thơ Trương Văn Lỗu) được coi là đẹp và sang.

    Họ người Chăm theo dòng tộc: Như trên đã trình bày , trước đây người Chăm không có họ như kiểu người Kinh như Trần , Nguyễn , Phạm , Lê..., mà người Chăm chỉ có chữ Ja hoặc M (Mng) đặt trước tên mình để phân biệt nam nữ, ví dụ Ja Phôi, Ja Ka (Nam) M Ehava, Mng Thang Ôn (nữ) , giống như Văn Thị của người Kinh .

    Người Chăm chỉ có hoàng tộc mới có họ : Ôn, Trà , Ma, Chế . Quan lại thường đựoc gọi bằng chức như Po Klăn Thu (ngài Trấn thủ) , Pô Phok Thăk (ngài phó trấn thủ tên Thak) hoặc như Đwai Kabait (ông đội Kabait).

    Cũng có dòng họ đặt theo tên vua : họ Po Rome, họ Po Gihlw hoặc đặt theo tên lòai cây trụ trong kut chính , họ Ga dak, họ Mul Pui , nhưng không dùng họ này đặt tên riêng.

    Họ và tên còn đặt theo tôn giáo ( Islam) :Thường do sự tiên đoán tương lai của đứa con mà người cha chọn 1 trong 25 vị thánh đặt tên :
    . Con trai là Ali, Ibrohim, Mousa, Ysa...
    . Con gái là : Fatima,Khođijah,Maryam...

    Cách đặt tên theo giấy khai sinh :

    Vào đời vua Minh Mạng ( 1820-1840) , năm thứ 14 , nhà vua ban cho người Chăm các họ theo phong tục Việt Nam :
    . Bá
    . Đàng
    . Hứa
    . Lưu
    . Lựu
    . Hán
    . Lộ
    . Mà
    . Châu
    . Nguỵ
    . Tử
    . Tạ
    . Thiên
    . Uc
    . Vạn
    . Lâm
    . Hải
    . Báo
    . Cây
    . Dương
    . Quảng
    . Qua
    . Tưởng
    . L...
    Số người có công với triều đình được mang họ Nguyễn .

    Như vậy có sự giao lưu văn hoá Kinh - Chăm , nhưng nét đặc sắc của văn hoá Chăm là Họ tộc Chăm là theo Mẫu Hệ, ví dụ Nguyễn Văn Tỷ (khai sinh) , họ mẹ là Po Đăm hoặc Phú Trạm (khai sinh) , họ mẹ là Inrasara ./.

    3 - DÂN TỘC THÁI
    Dân tộc Thái có trên 1,32 triệu người, cư trú ở các tỉnh Tây Bắc, Hoà Bình, Thanh Hoá và Nghệ An.

    Người Thái có nhiều họ khác nhau. Họ Lò không ăn thịt chim Táng Lò ( vật tổ). Họ Quang kiêng ăn thịt hổ...
    Đồng bào Thái thờ cúng tổ tiên , trời , đất, cúng bản Mường , không theo tôn giáo nào.

    Văn hoá nghệ thuật Thái rất độc đáo rạng rỡ với nghệ thuật " Múa Xoè", " Múa Nón" , Khèn Thái, Pí Pặp, Quăm Khắp (Hát).

    Các tác phẩm truyện thơ nổi tiếng như "Sống Trụ Son Sao " (Tiếng dặn người yêu - như Truyện Kiều) mà Nguyễn Khôi đã chuyển dịch rất thành công sang thơ Song thất lục bát , tái bản nhiều lần ), Khun Lua - Nàng ủa , Em bé - Nàng Hổ ( như Tấm Cám của người Kinh .

    Lối hát giao duyên " Hạn Khuống" ( như Quan họ Bắc Ninh ) , rất hấp dẫn.

    Nhìn chung người Thái là dân tộc phát triển trồng lúa nước , dệt thổ cẩm, làm được súng săn...

    Thường được goi là " người Kinh " ở miền Núi. Có rất nhiều nhà hoạt động chính trị , tướng tá , văn nghệ sỹ khá nổi tiếng.

    Người Thái có các họ : Bạc , Bế, Bua, Bun, Cà, cầm, Chẩu , Chiêu, Đèo , Hoàng, Khằm , Leo, Lỡo, Lềm, Lý, Lò, Lô, La, Lộc , Lự, Lường, Mang, Mè, Nam, Nông , Ngần , Ngu , Nho, Nhọt, Panh, Pha, Phia, Quàng, Sầm, Tụ, Tày, Tao, Tạo, Tòng, Vang, Vì, , Sa, Xin, .

    12 họ gốc là Lò, Lường, Quàng, Tòng, Cà, Lỡo, Mè, Lù, Lềm, Ngần, Nông.

    Người Thái có một số dòng họ quý tộc ( thường là các họ lớn ) tuỳ theo từng nơi đó là Cầm, Bạc, Xa, Đèo,Hà, Sầm, Lò...

    Các tên khác của một số họ :

    Họ Lò còn gọi là Lô, La, sau còn đổi là Cầm, Bạc, Điêu (Đèo), Tao (Đào), Hoàng , Lò Cầm (Lò Vàng) , Lò Luông (Lò Lớn).
    Họ Lường còn gọi là họ Lương
    Họ Quàng còn gọi là họ Hoàng, Vàng.
    Cà còn gọi là Sa , Hà , Mào .
    Vi còn gọi là Vi, Sa.
    Lêm còn gọi là Lâm , Lim.

    Ngành Thái đen còn có các họ Cầm , Bạc thường hay giữ các chức vị Chảu Mường .

    Ngành Thái trắng thường là các họ Đèo Lò Làm Chảu Mường
    Các tên thường gặp , ví dụ như :
    Lò Văn Muôn (vui)
    Lò Văn ứt (đói)
    Hoàng Nó (vua măng).

    Xưng hô hàng ngày của người Thái thường không gọi tên tục của nhau Thưòng là hai người " Cu-mưng ( như ủa- nỉ của Tàu, Toa- moa của Pháp , hiểu đơn giản như Tao-Mày - tôi- anh (chị).

    Thường gọi " dựa " con : Đàn ông là ải nọ... , ải kia... , người tôn trọng nhất gọi là "ải ộ", anh là "ải luông", bác là "ải lung" rồi " ải thẩu"; đàn bà là Êm (ếm) nọ ..., Êm kia , già nhất là Êm thẩu.

    Các vị chức sắc xưa thì gọi là Tạo nọ , Tạo kia hay Phìa nọ , Phìa kia ( con cháu những người này cũng được tôn trọng gọi là Tạo con..., Nàng... già là bà Nàng...)

    Sau năm 1945 bà con dân tộc được đổi tên mới , đặt tên không theo truyền thống mà phù hợp với đời sống văn minh hiện đại.Ví dụ nhà văn nhà thơ lấy bút danh như Tòng ín là Ban Pún (Hoa ban nở).

    Dân tộc Thái có Huyền thoại về dòng Họ : Sau nạn hồng thuỷ , chỉ còn sống sót một cặp vợ chồng. Người vợ có một thỏi đồng liền đem ra nấu và đúc thành dụng cụ. Quá trình đúc đồng được chia làm mấy giai đoạn như : lúc đầu làm đồng nguyên , sau nấu gọi là lô, muốn tăng sức nóng thì phải quạt , rồi đảo quấy đều , sau đó thành nước loãng , đem luyện lại , tô luyện thành công cụ rắn chắc .

    Vì vậy khi sinh con , họ đặt cho con đầu lòng mang họ Tông (đồng), con thứ hai là Ló nay gọi là Lò (lô), con thứ ba họ Ví ( quạt) , con thứ tư họ Quá( quàng) , con thứ năm họ Đèo( đồng thành nước), con thứ sáu họ Liếng ( đã luyện ) nay gọi chệch là Lường , con thứ bày họ Cả ( tôi luyên rắn thành công cụ ) , nay gọi là Cà.

    Quá trình phân hoá giàu nghèo nên các họ trên đều có ngày giỗ riêng .

    Đến nay tên đệm Văn cho Nam và Thị cho Nữ khá phổ biến như người Kinh.

    Theo nghiên cứu của chúng tôi thì nét đắc sắc văn hoá dùng họ và đặt tên có thể thấy ở Thanh Hoá, Nghệ An và Lai Châu .

    Người Thái Trắng ở Lai Châu rất chú trọng lễ đặt tên cho con. Đồng bào cho rằng: Trẻ con mới sinh do vía yếu , không muốn người lạ lên nhà người ta gài vào đầu cầu thang một cành lá xanh và giắt tấm phên đan mắt cáo (Ta Leo). Đến ngày trẻ đầy tháng (Hết Hoóng) làm lễ cúng đầy tháng và cũng là lúc đặt tên cho trẻ . Cách đặt tên không trùng với tên gọi ông bà họ hàng nội ngoại là được.

    Ngườì Thái Nghệ an do Lê Thái Tổ cho di từ Thuận Châu vào Miền Tây Nghệ An.

    Người Thái ở Thanh Hoá có câu tục ngữ :" Người có họ , cây có vườn (con mi họ, co mi xuân). Người Thái gọi là " Chao " có nghĩa là nòi giống.

    Tại Tây Bắc họ Lường làm thày mo , họ Lò làm Tạo , nhưng ở Thanh Hoá thì họ Hà làm Tạo.

    Người Thái theo phụ quyền (huyết thống cha), ở Việt nam người Thái mang cả tên họ gốc và tên phiên âm sang tiếng Việt , ví dụ Chao Lộc là họ Lục. Đó cũng là nét văn hoá Thái trong cộng đồng 54 dân tộc Việt nam ./.
    4 - DÂN TỘC MƯỜNG
    Dân tôc Mường Dân tôc Mường có trên 1,1 triệu người, chiếm hơn 1,5 % dân số Việt Nam

    Ngoài ra có các tên khác gọi : Mol, Mual, Mọi, Mọi bi, Au tá,. Tên Mường mới xuất hiện khoảng hơn một thế kỷ nay, để chỉ cộng đồng dân có nét tương đồng với người Kinh (Việt) sinh sống ở các bản Mường Hoà Bình,Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La,Thanh Hoá..."Mường" là một loại tổ chức hành chính cơ sở ở vùng núi , trở thành tên gọi của tộc người .

    Xét về nguồn gốc lịch sử , người Mường là người Việt cổ ( bản địa) từ 3000 năm trở về trước, từ sau thế kỷ 10 có sự cách biệt của nhóm người Việt ở đồng bằng với người ở miền núi nên dần dần có sự khác biệt thành người Kinh - người Mường.

    Về kinh tế , đồng bào Mường trồng lúa nước là chính. Trên nương dẫy có ngô, khoai, sắn , đậu , đỗ. Một số nơi trồng tre , luồng, trẩu , gai, sở , đay, bông, quế, mía. Về chăn nuôi có trâu, bò,ngựa, lợn ,gà, ngựa, lợn, gà, vịt. Đồng bào có các nghề thủ công : dệt,đan lát, mộc... Ngoài ra còn thu hái các lâm thổ sản, săn bắt các lọai thú rừng để cải thiện bữa ăn hàng ngày .
    .
    Xã hội Mường Hoà Bình trước năm 1945 là một xã hội có đẳng cấp , trong đó mỗi con người được " chính danh định phận ". Quý tộc gọi là Lang , bình dân gọi là Jan ( dan ) . Trong một mương ( Mường) gồm nhiều xóm , quý tộc thống trị đều là thành viên một dòng họ. Ví dụ dòng họ Bạch Công thống trị ở Mường Rếch ( 12 xóm ) . Con trai trưởng thống trị toàn bộ thung lũng 12 xóm gọi là Lang Cun ( cun ) . Lang Cun Mường Rếch là Cun Đếch ( Chiềng Rếch hay Cun Rếch là Cun Đếch ) Chiềng Rếch , tức là Chiềng của Mường Rếch). Các chi thứ chia nhau thống trị các xóm khác ở phạm vi ngoài Chiềng ( ý là trung tâm) . Đứng đầu xóm Đúp là con trai trưởng của một chi thứ của họ Bạch Công , đó là Lang Tạo ( Lang Đạo ) , nói rõ là Tao Tuúp ( Đạo Đúp , tức Lang Đạo xóm Đúp).

    Nội bộ bình dân phân hoá thành từng lớp Âu. Người bình dân được cất nhắc vào bộ máy thống trị của Cun ở Chiềng hay Đạo ở xóm chức Âu, cao nhất là Âu Eng ( Âu anh) được ăn phần ruộng tốt nhất , chức nhỏ là Âu ún ( Âu em ) là tay chân cho Lang và các Âu anh sai phái.

    Dưới Âu đến nóc dân thường được ăn ruộng công gọi là nhà nưóc , cấp thấp nhất là Noóc K,Loi (Nóc Trọi) sống bằng nước rẫy , đó là Tứa Roong , có ý khinh miệt..

    Sau năm 1945 mọi người Mường đều được bình đẳng..

    Gia đình Mường tổ chức theo mô hình gia đình nhỏ phụ quyền . Con trai là người được hưởng quyền thừa kế tài sản..
    .
    Dân tộc Mường theo hôn nhân một vợ một chồng bền vững , cư trú bên nhà chồng. Tục cưới xin giống người Kinh (chạm ngõ, ăn hỏi , xin cưới và đón dâu)..

    Khi trong nhà có người sinh đẻ , đồng bào rào cầu thang chính bằng một phên nứa. Khi trẻ lớn một tuổi mới đặt tên..
    Khi có người chết , tang lễ được theo nghi lễ nghiêm ngặt..

    Tiếng Mường là một ngôn ngữ thống nhất , là hình ảnh của tiếng Việt ở giai đoạn tiếng Việt- Mường chung với đăc điểm chính là lưu giữ lại quá trình vô thanh hoá các phụ âm đầu. Ví dụ gà (Việt)/ ka (Mường), đi/ti, ba/pa....

    Dân tộc Mường chưa có chữ viết riêng. Mo "đẻ đất đẻ nước" là tài liệu văn học dân gian có giá trị nhất trong kho tàng văn học dân gian dân tộc Mường..

    Dàn cồng chiêng là nhạc cụ dân tộc đặc sắc nhất của dân tộc Mường. ở Phú Thọ còn dùng ống nứa gõ vào những tấm gỗ trên sàn nhà tạo thành những âm thanh để thưởng thức gọi là Đâm Đuổng..

    Lễ sinh con; Ngày đứa trẻ ra đời cả gia đình mở tiệc ăn mừng , mời Mo đến cúng cho hai mẹ con khoẻ, bé ăn no chóng lớn . Cả gia đình vui như hội . Thời gian kiêng cữ từ 7-12 ngày . Con trai goi là Thóc giống (lọ me), con gái gọi là Rau cỏ (cách tắc) . Khi ở cữ , phụ sản phải qua tục Sưởi lửa . Bất kể mùa nào cũng phải ngồi bên bếp lửa , với ý là lưu thông khí huyết , ba ngày sau mới được lau tắm thân thể. Sau một tháng mới được ăn thịt gà (chỉ ăn đùi bóc sạch da) nướng với rau bệ.

    Ngay sau khi sinh đặt tên tạm , chờ đến đầy tuổi tôi (12 tháng) mới làm lễ đặt tên chính thức. Để cầu mong cho trẻ hay ăn chóng lớn người ta còn làm lễ cúng Mụ . Lễ vật gồm xôi, rượu , cá chép . Mâm cỗ đặt trên cửa sổ nhà sàn. Gia chủ cầu khấn mong cho đứa trẻ "thốt như cách, mách như đác" nghĩa là :" Tốt như ót , mát như nước".

    Khi đứa trể lọt lòng mẹ , người Mường ở Vĩnh Phúc đặt đứa trẻ trên cái Cúm (mẹt to) có lót lá chuối rừng đã được nướng mềm . Người mẹ nằm ngay bên cạnh con.Nếu là con gái thì lấy cái hông nồi xôi bằng gỗ khoét rỗng (chõ) đập nhẹ xuống sàn , nếu là con trai thì lấy cái chài cũ , đập nhẹ xuống sàn , miệng nói: " hỡi con trai dậy mà ti chài ti lứa. Hỡi con tứa dậy mà tháo thơ tháo thằm ", đại ý là : "Hỡi con trai dậy mà đi kéo chài, đánh lưới. Hỡi con gái dậy mà kéo tơ, kéo tằm". Gọi và đập như vậy ba lần chờ đứa bé khóc to mới bế lên quấn tã lót. Ba tháng sau mới làm lễ Vía cho bé.

    Người Mường có họ tên như người Kinh . Do xưa kia, hình thái tổ chức xã hội đặc thù của người Mường là chế độ Lang đạo, các dòng họ Lang đạo (Đinh , Quách, Bạch, Hà) chia nhau cai quản các vùng. Đứng đầu mỗi Mường có Lang Cun , dưới Lang Cun có các Lang Xóm hoặc Đạo Xóm cai quản một xóm. Ngoài bốn họ trên còn có một số họ tiêu biểu như Bùi , Hoàng , Lê, Phạm, Trịnh, Xa, họ Phùng ...

    Ví dụ như
    Đinh Công Vợi, Quách Tất Công,
    Bùi Thị Phệu, Phùng Thị Lợi ,
    Hà Công Rộng , Bạch Thành Phong , Bùi Văn Kín./.

    5 - DÂN TỘC MÔNG
    Dân tộc Mông có trên 784 nghìn người. cư- trú tập trung ở các tỉnh Hà Giang , Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái,Lai Châu , Sơn La, Cao Bằng , Nghệ An...

    Còn có tên là Mông roi ( Mèo Trắng ) , Mông Lềnh ( Mèo hoa), Mông roi ( Mèo đỏ), Mông đú( Mèo đen) , Mông súa ( Mông mán). Mông có nghĩa Người.

    Dân tộc Mông có bản sắc văn hoá rất độc đáo. Gốc gác ở vùng Quý Châu Trung Quốc , gọi là Miêu Tộc (miêu gồm bộ thảo và chữ điền nghĩa là mạ , là mầm , là dáng diệu xinh đẹp , một tộc ngư-ời biết trồng lúa từ xa x-a). Do bị phong kiến Hán tộc tàn sát nên di cư- xuống Việt nam... , tên đồng bào tự gọi nhau là H'Mông, có nghiã là Người.

    Từ trước đến nay , các nhà ngôn ngữ học Trung Quốc vẫn kiên trì coi ngôn ngữ nhóm H'Mông - Dao thuộc ngôn ngữ Hán Tạng.

    Người H'Mông , có người nghiên cứu tìm ra có nhiều cái nhất:

    Ngôn ngữ có nhiều thanh nhất 8 thanh chia thành nhiều âm vực ; Vốn từ láy dồi dào .

    Hệ thống âm đầu rất phong phú có từ 51-57 phụ âm đầu ; Âm nhạc H'Mông có tiếng Sáo , Khèn Mèo, đàn môi nổi bật gai điệu ở dạng gãy khúc "nhâp nhô" như đỉnh non cao mà họ cư trú .

    Ngoài ra còn có Gạo Mèo, Rượu Mèo, Táo Mèo là ngon nhất; Lợn Mèo , bò Mèo là to nhất ; Cày Mèo, cối xay Mèo bằng đá độc đáo bền nhất, ruộng bậc thang với hệ thống tới tiêu ở lưng chừng núi tuyệt vời nhất; Váy Mèo, áo Mèo sặc sỡ đẹp nhất ; Múa Mèo , hát Mèo vào loại hay nhất; Súng Mèo tự tạo , dao Mèo tốt sắc nhát; Đi bộ leo dốc giỏi nhất; Dũng cảm , vượt gian khó , hiên ngang nhất .

    Tại Việt nam cùng thời với Hoàng Hoa Thám đánh Pháp người H'Mông cũng có Giàng Chỉn Hùng ( Bắc Hà ) Thảo Nủ Đa ( Mù Cang Chải ) Giàng Tả Chay ( Tây Bắc) . Sau nay có Vừ A Dính( Tuần Giáo ) - Kim Đồng ( Cao Bằng ). Nhân vật lịch sử Vua Mèo Vàng Chí Sình ( Bắc Hà ) sau cũng theo Việt Minh đánh Pháp. Thời nay có nhiều ng-ời H'Mông học tới Cử nhân , Tiến sỹ , ví dụ Tiến sỹ Thào Xuân Sùng , bí thư tỉnh uỷ Sơn la.

    Về văn học có "Tiếng hát làm dâu" "Tiếng hát mồ côi" nói lên thân phận con người thật là thống thiết , dù ai "cứng lòng" mà đọc cũng phải rưng rưng nước mắt! . "Dân ca Mèo'', truyện cổ tích Mèo cũng rất phong phú. Quan hệ dòng tộc rất đặc sắc , mỗi dòng họ cư trú quây quần thành từng cụm , có một trưởng họ đảm nhiệm công việc chung "đi đâu ở đâu" có họ hàng , sống chết không rời nhau. Có tục "Háy Pú" , cướp vợ rất đặc sắc. Đồng bào có chữ viết riêng.
    Lễ cúng khi sinh đẻ: Đồng bào quan niệm rằng: Con người ta có hai phần (thể xác và linh hồn) , họ không quan tâm nhiều đến phần thể xác. Họ cho rằng con người sinh ra trên cõi đời chỉ cần nhìn thấy ba lần ánh mặt trời cũng là một kiếp người.

    Một con người có ba linh hồn :

    Hồn thứ nhất ở đỉnh đầu, do đó kiêng xoa đầu trẻ em vì hồn nó yếu , xoa đầu hồn sẽ bỏ đi , vì thế ai xoa thì phải làm lễ gọi hồn về.

    Hồn thứ hai ở vùng ngực , hồn này ít bỏ đi lang thang , nhưng khi đã bỏ đi thì bệnh sẽ nặng

    Hồn thứ ba ở rốn, hồn này cai quản thân xác và nội tạng , hồn này bỏ đi là đau nội tạng , đau bụng (hồn này ở phụ nữ yếu hơn nam giới , nên phụ nữ hay đau bụng hơn , hồn bỏ đi không về sẽ chết).

    Khi chết hồn thứ nhất bay lên tầng cao nhất cùng tổ tiên trên trời (cõi tiên) .

    Hồn thứ hai bay lên chỗ Ngọc Hoàng chờ đầu thai vào kiếp khác (ai xấu sẽ đầu thai làm con vật); Hồn thứ ba gác phần mộ , lởn vởn nơi tầng thấp của Ngưu ma vương , thường bay về quấy nhiễu. Vì thế người H'Mông rất quan tâm đến việc thờ cúng gắn với chu kỳ đời người.

    Khi bà mẹ sắp sinh em bé thì nhà có lễ cúng "đề ca súa" , cầu cho mẹ tròn con vuông.

    Đồng bào cho rằng : Khi trẻ sinh ra chưa có linh hồn ngay, phải sau 3 ngày mới tổ chức lễ gọi hồn (húp hi) - đây là lễ lớn , thông báo cho sự ra đời của một thành viên trong gia đình . Đây cũng là lúc đặt tên cho trẻ. Tên trẻ không được trùng với tên ông bà , tổ tiên , họ hàng . Cuối lễ , thầy cúng xem chân gà "bói" tương lai cho trẻ.

    Về họ và tên , những người có chung một họ như Giàng , Vừ , Thào , Lầu , Lý... đều coi nhau như anh em , dẫu không chung một tổ.

    Người H'Mông ở Lào Cai , Thanh Hoá và Nghệ An có nhiều nét văn hoá đặc sắc. Ng-ười H'Mông ở Lào Cai có hơn 30 họ, các họ lấy tên con vật như Sùng (gấu), Hầu (khỉ) ,Lồ (lừa), Mã (ngựa) Giàng (dê) và Lùng (rồng). Có họ lấy màu sắc đặt họ ví dụ Hoàng (màu vàng), Lù (màu xanh) Hùng (màu đỏ). Có họ lấy tên cây , ví dụ như Lý (mận) Thào (đào). Họ còn lấy tên đồ vật , ví dụ như Cư (trống), Thèn (thùng) .

    Đồng bào đặt tên nhiều lần :

    Khi bé đầy tuổi , có lễ mừng tuổi , Lễ đội tên đệm của bố cùng lúc với lễ mừng con đầu lòng 1 tuổi. Khi ấy con trai tặng nỏ , súng , dao , cháu gái tặng cuốn chỉ thêu, tấm vải . ước nguyện trai tài gái đảm.

    Lễ đặt tên lần thứ hai "Tì bê lầu" , thịt một con lợn tặng bố mẹ vợ nửa , cầu khấn những điều tốt lành , buộc chỉ cổ tay , đặt tên đệm mới cho con rể. Bố mẹ vợ tặng vật kỷ niệm cho con rể thường là đồng bạc trắng , cái địu con .

    Có trường hợp người đàn ông có đến 3-4 tên , khi đau ốm hoặc rủi ro , tai nạn thì lại làm lễ đặt tên lại .

    Đồng bào quan niệm "thùng sếnh, thùng đang" tức là cùng họ cùng ma vì làm ăn làm uống ta có thể học người khác , nhưng làm ma thì không thể theo người ta đựơc.

    Lễ ma có 4 lễ :
    . Lễ ma tươi
    . Cúng ma bò
    . Cúng ma lợn
    . Cúng ma cửa
    Đúng là , cách đặt 3-4 tên của người H'Mông mang bản sắc văn hoá thật độc đáo ./.

    6 - DÂN TỘC KHƠ ME
    Dân tộc Khơ Me có trên 1 triệu người , sống tập trung ở các tỉnh Sóc Trang , Vĩnh Long, Trà Vinh , Cần Thơ, Kiên Giang , An Giang .

    Còn có các tên khác Khơ Me Krom, Cur, Cul , Thổ, Việt gốc Miên .

    Tên Khơ Me bắt nguồn từ tiếng Phạn ( Ấn Độ ) Khêmara có nghĩa là "An Vui Hanh Phúc."

    Đây là một cư dân sống lâu đời ở Đồng bằng Sông Cửu Long, sống xen kẽ với người Kinh và người Hoa.

    Đồng bào biết thâm canh lúa nước từ lâu đời, biết làm thuỷ lợi và lợi dụng thuỷ triều để thay chua rửa mặn, xổ phèn cải tạo đất.Có địa phương trồng nhiều dưa hấu . Chăn nuôi gia súc , gia cầm , làm các nghề thủ công (dệt , gốm...) và làm đường Thốt nốt.

    Dân tộc Khơ Me sống quần tụ thành các phum , sóc( như thôn ấp của người Kinh , gồm từ 17-70 nóc nhà. Trên các phum sóc không có đình mà có chùa , gọi là chùa Khơ Me . Các chùa này có cấu trúc khá giống nhau tuy quy mô khác nhau . Chùa là nơi thờ Phật và là nơi hành lễ của dân làng.

    Về trang phục : đàn ông đóng khố sampôt. đàn bà mặc váy xà rồng , dài chấm mắt cá chân , màu gụ, có nhiều hoa văn đẹp . Ngày xưa phụ nữ không mặc áo mà dùng một tấm vải vắt chéo qua vai để che ngực , có thói quen quấn khăn Khrâm lên đầu . Nhà sư cọc trọc đầu , râu và lông mày. Khoác áo cà sa , mang khố vàng màu nghệ và ô trắng hay vàng.

    Đồng bào Khơ Me có ba hình thức tôn giáo , theo tín ngưỡng dân gian , đạo Balamon, Phật giáo tiểu thừa . Trong mỗi chùa có nhiều sãi ( gọi là các ông Lục ) và do sãi cả đứng đầu . Con trai Khơ Me trước khi trưởng thành thuờng đến ở chùa để tu học, trau dồi đức hạnh và kiến thức. Nhà chùa thường dạy kinh nghiệm sản xuất , dạy chữ. Hiện nay có trên 400 chùa Khơ Me.

    Người Khơ Me ghi chép lại một nền văn học rất phong phú của mình trên lá buông gọi là Xatra . Văn học dân gian truyền miệng cũng vô cùng phong phú . Nghệ thuật sân khấu gồm nhiều loại Dù kê, Rô băm . Các điệu múa nổi tiếng : Lăm vông, Múa kiếm ( Răm khách ), Lăm Lêu...

    Các ngày lễ lớn là Choi Chnăm Thơ Mây( Mừng năm Mới ) , Lễ Phật đản , lễ Đôn ta ( xá tội vong nhân ) , Oóc Bom boóc ( cúng trăng ).

    Các họ của người Khơ Me :
    Bàn , Binh , Chau , Chiêm , Danh , Dơng, Đào, Điêu, Đoàn , Đỗ, Hiùnh, Hứa , Kỷ, Liêu, Lộc , Lục, Lu , Mai , Neang, Nuth, Ngô, Nguyễn, Panth, Pem, Pham , Sơn, Tăng, Tô, Từ , Tng, Thạch, Thị , Thuấn, Trà , Trần, U, Uônth, Xanh, Xath,Xum...

    Các họ tên tiêu biểu của người Khơ Me Danh , Sơn, Kim, Thạch , Châu , Lâm , ví dụ :
    Danh út, Ngọc Anh ( Nam )
    Lâm Phú Thạch Thị ( nữ).

    Phụ nữ thường phân biệt bằng chữ Thị hoặc Nêang . Người Khơ Me có họ từ thời Nguyễn , vua Minh Mạng , để kiểm kê hộ khẩu dân số. Trước đó người Khơ Me không có họ.

    Nét văn hoá đặc sắc trong văn hoá dùng họ và đặt tên của ngời Khơ Me chính là : Để phân biệt những người cùng tên và có quan hệ huyết thống thì người Khơ Me thường gọi kèm tên người cha ( phụ tử liên danh) , tên người cha thành họ của người con./.
    (Sưu tầm)

    Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

    Dân ta cần biết sử ta

    Ngay khi lần giở lại các trang sử biên niên, đôi lúc không khỏi ngạc nhiên bởi ứng xử của những ông vua Trần rất… khác người!
    Trong lịch sử vương quyền Việt Nam, nhà Trần hẳn nhiên là một triều đại lẫy lừng. Về võ công, đây là vương triều đã thống lĩnh quân dân Đại Việt ba lần chặn đứng vó ngựa cuồng phong của đạo binh viễn chinh Mông Cổ bách chiến bách thắng. Về văn hiến, đây là vương triều đã nhen lên ngọn lửa khai phóng, tập thành một trào lưu tư tưởng Thiền học vừa cởi mở vừa sâu sắc, mà đỉnh cao là sự xuất hiện của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
    Các vị vua Trần
    Trong cả hai thành tựu lớn lao này, nếu phải nói đến sự đóng góp của những cá nhân xuất sắc, tất không thể bỏ qua các (không phải tất cả) hoàng đế của vương triều Trần, những con người mang chân dung kép: Là anh hùng chống ngoại xâm, đồng thời là Thiền giả uyên áo, hành sự không câu chấp.
    Đó là những nhân cách có kích thước vượt trội, có tầm vóc ngoại cỡ. Không cần phải tìm sự thể hiện điều đó ở những “thời điểm mạnh” của lịch sử: Ngay khi lần giở trở lại các trang sử biên niên và bắt gặp các vua Trần trong những tình huống đời thường, đôi lúc chúng ta không khỏi ngạc nhiên và thú vị bởi ứng xử của những ông vua (có thể nói là) rất… khác người!
    Trước hết là ứng xử của các vua Trần trong chuyện luyến ái hôn nhân. Trần Thái Tông (Trần Cảnh) giành được thiên hạ về tay họ Trần là nhờ vào cuộc hôn nhân (do Trần Thủ Độ dàn xếp) với công chúa Chiêu Hoàng nhà Lý. Món hồi môn ấy của Lý Chiêu Hoàng thật không hề nhỏ chút nào!
    Tượng vua Trần Thái Tông.
    Cứ ngỡ rằng “gái có công chồng chẳng phụ”, vậy mà khi Trần Thái Tông lấy – đúng ra là cướp – vợ của anh trai là An Sinh Vương Trần Liễu (cũng lại do Trần Thủ Độ chủ xướng), bà vợ cũ lập tức bị truất ngôi Hoàng hậu. Chưa hết, để thưởng công cứu giá của Lê Phụ Trần, ngoài chức Ngự sử đại phu, nhà vua còn “hào phóng” gả luôn Chiêu Hoàng cho người đã liều chết che tên cho mình. Nghĩa là, xem ra, với ông vua khai mở vương triều Trần này, vợ là “một cái gì đó” có thể lấy về hoặc cho đi một cách khá… thoải mái!
    Chưa hết, khi Trần Quốc Tuấn (con trai của An Sinh Vương Trần Liễu) lẻn vào tư thông với Công chúa Thiên Thành ngay trước ngày cưới của Công chúa – và ngay tại tư gia của vị tân lang là Trung Thành Vương – bị phát hiện, nhà vua đã “bất đắc dĩ” (chữ trong sử) đem Thiên Thành công chúa gả cho Trần Quốc Tuấn rồi cho Trung Thành Vương hai ngàn khoảnh ruộng. Sự thiên vị quả là khá lộ liễu! Có lẽ trong trường hợp này Trần Thái Tông muốn chuộc lại phần nào cái lỗi đã cướp vợ của anh trai chăng?
    Nói sao mặc lòng, cái quyết định “bất đắc dĩ” của nhà vua đã tạo nên một cảnh huống khá rắc rối trong quan hệ thân tộc của họ Trần: Trần Quốc Tuấn sẽ vừa là con trai vừa là em rể của Trần Liễu, vì Công chúa Thiên Thành chính là em gái của Trần Liễu và Trần Thái Tông!
    Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về tinh thần “cởi mở” trong quan hệ nội hôn của vương triều Trần: Họ không lấy đó làm điều. Chẳng trách được khi về sau, cứ mỗi lần viết về việc hôn nhân của tôn thất nhà Trần, các Nho gia nghiêm cẩn như Ngô Sĩ Liên, Phan Phu Tiên hay Dực Tông hoàng đế Tự Đức đều… đay nghiến: “dâm loạn”, “buông tuồng”!
    Trong cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất, khi vua tôi nhà Trần phải chạy giặc trên sông Hoàng Giang, gặp thuyền của một tên tiểu nhân hiệu là Cự Đà chèo ngược lại, người trên thuyền của Thái tử hỏi: “Quân Mông Cổ bây giờ ở đâu?”. Cự Đà – vốn trước kia nhà vua ban quả muỗm cho những người hầu mà quên không ban cho hắn, nên sinh bụng oán – trả lời: “Tôi không biết, các anh đi hỏi những người nào được ăn muỗm ấy”.
    Giặc tan, Thái tử xin vua Trần Thái Tông trị tội Cự Đà thật nặng để răn bảo người làm tôi bất trung, không ngờ nhà vua trả lời: “Cái tội Cự Đà là lỗi ở quả nhân”, rồi tha cho Cự Đà. Nói rằng nhà vua là vị Hoàng đế có lòng nhân? Không sai. Nhưng cũng cần phải nói thêm: Đây là vị Hoàng đế có lối suy nghĩ và hành xử lịch lãm, rất cận nhân tình.
    Không như những ông vua ở các triều đại sau luôn đòi hỏi thần dân lòng trung thành tuyệt đối và vô điều kiện, Trần Thái Tông hiểu rằng trung thành ở con người là một thứ tình cảm duy lý và bị điều kiện hóa. Không thể có lòng trung thành khi không có những yếu tố thuận lợi làm nảy sinh và những biện pháp khả dĩ nuôi dưỡng lòng trung thành.
    Một quả muỗm, tuy là nhỏ, song nó lại là cái cho kẻ thần tử cân nhắc xem có “đáng” đánh đổi lòng trung thành với bậc đế vương hay không; và nó cũng là cái khiến nhà vua phải phản tư, rằng mình có “đáng” được nhận lòng trung thành của bề tôi hay không! Nội chi tiết này cũng đủ thấy: Để một con người “bé tí” dám “giận lây” và “trả đũa” vua nhân danh một sự công bằng trừu tượng nào đó, hẳn là cái phong thái sinh hoạt của xã hội Đại Việt thời Trần rất khoáng đạt, khoảng cách giữa hoàng đế và các thần dân chưa hề là một “khoảng cách sử thi” giống như ở các triều đại sau.
    Đến giai đoạn trị vì của Pháp Thiên Ngự Cực Anh Liệt Vũ Thánh Minh Nhân Hoàng Đế, tức vua Trần Nhân Tông, người về sau sẽ lưu danh trong lịch sử tư tưởng Việt Nam bằng pháp hiệu Trúc Lâm đại đầu đà, có một câu chuyện nhỏ đã xảy ra.
    Tượng thờ vua Trần Nhân Tông.
    Số là, sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ ba, vua Trần Nhân Tông ban chiếu đại xá cho thiên hạ. Theo chế độ cũ, mỗi khi có chiếu đại xá thì viên trung quan (tức quan hoạn) giữ chức Hành khiển sẽ tuyên đọc chiếu thư, còn việc soạn chiếu thư sẽ do Viện Hàn lâm phụ trách. Thường thì sau khi soạn chiếu thư xong, Viện Hàn lâm phải đưa cho quan Hành khiển xem trước, để đến lúc tuyên đọc cho đúng.
    Lúc bấy giờ, Lê Tòng Giáo giữ chức Hành khiển, cùng với người soạn chiếu thư của Viện Hàn lâm là Đinh Củng Viên vốn không hoà hợp. Soạn xong chiếu thư rồi, nhưng Đinh Củng Viên cố tình không đưa bản thảo cho Lê Tòng Giáo xem trước, đến ngày tuyên chiếu mới đưa cho, vì thế Lê Tòng Giáo tuyên đọc không thông. Nhà vua phải bảo Đinh Củng Viên đứng bên nhắc. Được lời như cởi tấm lòng, tiếng nhắc của Củng Viên ngày càng to dần, át cả tiếng đọc của Tòng Giáo!
    Sự việc xảy ra giữa hai viên chức phục vụ trong triều đình của Trần Nhân Tông, thực ra không có gì lạ đối với chúng ta, những con người của ngày hôm nay. Điều đáng nói ở câu chuyện giữa Tòng Giáo và Củng Viên là sự tham gia của Nhân Tông hoàng đế.
    Sau lễ tuyên chiếu, nhà vua cho triệu Tòng Giáo đến, bảo: “Củng Viên là văn quan, nhà ngươi là trung quan, có việc gì mà không hoà hợp với nhau đến thế? Nhà ngươi làm lưu thủ ở Thiên Trường, rươi có, quýt có, đi lại tặng biếu cho nhau thì có hại gì?”. Tuyệt không phải là việc nhà vua phân định ai đúng ai sai, “theo nguyên tắc”. Chỉ là lời “tư vấn” mà thôi. Và cũng chẳng hề có chút nào hơi hướng quan phương trong nội dung “tư vấn” của Trần Nhân Tông.
    Nhà vua giúp Lê Tòng Giáo giải quyết xích mích với Đinh Củng Viên không bằng tư cách của một vị Hoàng đế, mà là bằng tư cách của một người lão thực về nhân tình thế thái.
    “Con rươi, quả quýt”, món quà biếu quá vặt để bị xem là của hối lộ (sự đảm bảo về danh dự cá nhân), ấy thế nhưng là thổ sản của một vùng quê, nó có thể chuyển tải sự thành tâm của người biếu tới người được biếu, nhờ đó làm cho quan hệ giữa hai người trở nên tốt đẹp hơn (sự đảm bảo về mục đích), vậy hà cớ gì không làm? Trước câu “mách nước” thấu tình đạt lý ấy, ông vua khó tính đến như Tự Đức cũng phải tâm đắc mà phê rằng: “Ông vua này có thể gọi là thiên tử hoà giải”!
    Vua Trần Nhân Tông rời ngai vang đi tu
    Cũng là ông “thiên tử hoà giải” này, khi cần, sẽ trở nên rất sắt đá. Sử chép rằng, trận thắng quân Nguyên trên sông Bạch Đằng, quân ta bắt được các tướng Nguyên là Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ Ngọc và Phàn Tiếp. Với Cơ Ngọc, nhà vua sai tòng nghĩa lang là Nguyễn Thịnh đưa trước về Trung Quốc. Phàn Tiếp bị bệnh chết, nhà vua hoả táng rồi cấp cho vợ con hắn đôi ngựa sai chở hài cốt mang về. Còn với Ô Mã Nhi, Trần Nhân Tông cấp thuyền cho hắn về cố quốc. Trên đường đi, thuyền bị đắm khiến Ô Mã Nhi chết đuối.
    Sau đấy, nhà Nguyên có thư chất vấn và “hỏi tội” vua nước Nam về cái chết của Ô Mã Nhi, thì được Nhân Tông hoàng đế trả lời như sau: “Vì thuyền rỉ nước bị đắm, quan tham chính sức vóc to lớn, không sao cứu vớt được, thành ra chết đuối”. Đó là lối ứng xử hợp với lẽ phải thông thường, nhất là trong hoàn cảnh của một đất nước vô cớ bị ngoại bang giày xéo và lăng nhục tới lần thứ ba.
    Nhưng, với tư cách chủ thể quốc gia, nhà vua vẫn có thừa thận trọng để tỏ thái độ trước Hoàng đế nhà Nguyên. Nói khác đi trong bức phúc thư là một cách nói khôn khéo, không làm tổn thương đến lòng tự ái của thiên triều. Và có thể cho rằng, nó cũng chính là ứng xử mang những nét rất đặc trưng trong quan hệ với đế quốc Trung Hoa của tất cả các vị vua sáng trong lịch sử Việt Nam.
    Đến đời Trần Minh Tông, sử quan đã kịp ghi lại một “xen” đối thoại khá thú vị, qua đó hậu thế khả dĩ nắm được phần nào con người tinh thần của ông vua mà Phan Phu Tiên từng cho rằng “có tư chất nhân hậu”.
    Khi có người dâng sớ nói rằng hiện dân gian có nhiều kẻ du thủ du thực, đến tuổi già vẫn không có tên trong sổ bộ, mà lại không đóng góp phu thuế và sưu dịch, thì vua trả lời: “Nếu không như thế thì sao gọi là cảnh đời thái bình? Nhà ngươi lại muốn ta bắt chúng nó làm nên trò trống gì nữa?”. Một cách nghĩ không thể “hiện đại” hơn được nữa!
    Trong sự hình dung của vua Trần Minh Tông, “cảnh đời thái bình” – một xã hội không chiến tranh, có trật tự, kỷ cương – không phải là một xã hội mà tất thảy mọi thứ đều nằm trong khuôn phép, đều được “mã hóa” nhất nhất theo một nguyên tắc có sẵn. “Cảnh đời thái bình” chỉ thực sự là cảnh đời thái bình khi trong đó tồn tại những mảnh vụn bị văng ra và không chịu lực hút của quỹ đạo hướng tâm (tất nhiên, với điều kiện là những mảnh vụn ấy không trở thành những phản lực).
    Vua Trần Minh Tông (1300 - 1357 )
    Những kẻ du thủ du thực nói trên, trong cách nghĩ của Trần Minh Tông, chính là những “vật trang sức” cho chế độ: Nó cho thấy sự bao dung của nhà cầm quyền trong việc chấp nhận sự tồn tại của cái ngoài khuôn khổ, nó chứng minh khả năng chung sống của cái chính thống với cái dị kỷ.
    Và, đây mới thực là điều quan trọng: “cảnh đời thái bình” phải được/ bị điều kiện hóa bởi những “lỗ thông hơi” cho phép con người sống trong đó có thể (đôi lúc) hô hấp bằng những luồng không khí khác. Xem ra, cách nghĩ của Minh Tông hoàng đế cũng không khác là mấy với cách nghĩ của con người sống trong các xã hội dân chủ hiện đại, dù ông là người của hơn 600 năm trước!
    Trên phương diện lịch sử, cho đến hết thời Trần, Nho giáo vẫn hoàn toàn chưa được xác nhận và chưa được triển khai trong đời sống như một hệ tư tưởng chính thống. Bản thân các vua Trần – nhất là một số vị như đã kể trên – về tư tưởng, chính là những Thiền giả. Bởi thế mà khi vận hành phương châm trị nước gồm bốn chữ “Khoan, Giản, An, Lạc”, các vua Trần đã hiện diện xuyên qua lịch sử như là những nhà cầm quyền với lối suy nghĩ và cách hành xử đầy cởi mở, phóng khoáng, không câu nệ, không định kiến, và đặc biệt là gần dân.
    Phong thái đế vương kiểu này không hẳn đã nhận được sự tán thành của lớp sử gia – Nho thần đời sau, những người luôn bị ràng buộc bởi các khái niệm “chính”, “danh”, “lễ” v.v… Nhưng nó gần với chúng ta, những con người của thế giới hiện đại, và vì thế mà phải chăng có thể nói rằng, triều Trần với những ông vua “khác người” hình như chưa bao giờ là cũ?
    (BANTG)
    Tin liên quan
    Lịch sử Việt Nam

    Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

    Giải mã nỏ thần AN DƯƠNG VƯƠNG

    Giải mã khoa học về tác giả chiếc nỏ thần thời An Dương Vương

    (Dân trí)- Cao Lỗ là một danh tướng dưới thời An Dương Vương. Ông là người đã giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Từ lịch sử nhìn lại, cuộc đời ông nhuốm đầy màu sắc huyền thoại…

    Nhằm tưởng nhớ những đóng góp to lớn mà vị tướng tài ba Cao Lỗ, dưới thời An Dương Vương dựng nước, Bộ VH TT & DL phối hợp UBND Tỉnh Bắc Ninh, Hội khoa học lịch sử VN đã tổ chức hội thảo mang tên Cao Lỗ - Danh tướng thời dựng nước. Đến dự cuộc hội thảo có chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các nhà sử học Việt Nam.
    Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại hội thảo:“Đây là hội thảo rất có ý nghĩa nhằm tôn vinh công đức của Tướng quân Cao Lỗ, của những bậc tiền nhân có công với dân, với nước là đạo lý truyền thống của dân tộc ta, là nền tảng văn hóa tinh thần làm nên sức mạnh vô địch, sức sống trường tồn của đất nước ta”.
    Chủ tịch nước cho rằng: “Danh tướng Cao Lỗ tuy đã ở cách chúng ta hơn 2 thiên niên kỷ song cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn luôn sống mãi trong tâm trí mỗi người, với biết bao thăng trầm của lịch sử, qua các thời đại với muôn vàn màu sắc vừa lịch sử, vừa huyền thoại vô cùng phong phú”.
     
    Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại hội thảo về danh tướng Cao Lỗ
    Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại hội thảo về danh tướng Cao Lỗ
    Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Danh tướng Cao Lỗ là người có công lớn dưới triều vua An Dương Vương, giúp vua An Dương Vương dựng nước và giữ nước Âu Lạc, đã hiến kế với nhà vua dời đô xuống đồng bằng và giúp nhà vua xây thành Cổ Loa; đặc biệt chế ra nỏ Liên Châu, mỗi lần bắn ra được nhiều mũi tên, được xem là “nỏ thần”, vũ khí thần dũng vô địch để giữ nước của Âu Lạc với lời nói được truyền tụng “Giữ được nỏ thần, thì giữ được thiên hạ - mất nỏ thần sẽ mất cả thiên hạ”.
    Truyền thuyết và các bằng chứng lịch sử để lại cho thấy, danh tướng Cao Lỗ là một vị Tướng có vốn hiểu biết và có tầm nhìn sâu rộng, thấy rõ âm mưu của giặc, ông đã hết lời khuyên can vua, nhưng do vua An Dương Vương mất cảnh giác, nhà vua tin vào nội thần gian ác, đuổi Cao Lỗ và một số tướng tài khác ra khỏi kinh thành. Nhưng Cao Lỗ là môt vị tướng anh tài, không để ý chuyện cũ, nên khi thành Cổ Loa bị quân Triệu vây hãm, Cao Lỗ tự nguyện trở lại chiến đấu và ông đã hy sinh trong trận chiến ở Cửa Bắc thành Cổ Loa. Đến nay, tại đây vẫn còn ngôi miếu thờ vị danh tướng tài giỏi, trung thành. Cũng có truyền thuyết nói Cao Lỗ bị thương nặng, nhưng ôm đầu chạy qua Ái Mộ (Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) về đến Lục Đầu mới chết. Đến thời Trần, danh tướng Cao Lỗ đã được phong là Quả Nghị Cương Chính Uy Huệ Vương.
    Tại buổi hội thảo, 6 bài tham luận của 6 nhà khoa học đã được trình bày, bằng việc phân tích cuộc đời và sự nghiệp của vị tướng này. Theo Giáo sư Phan Huy Lê các báo cáo hôm nay có thể chia thành 2 loại cơ bản, thứ nhất Danh tướng Cao Lỗ trong bối cảnh dựng nước thời Hùng Vương – An Dương Vương để xác định rõ hoàn cảnh và trên cơ sở để tạo nên danh tướng. Thứ 2 là đi sâu nghiên cứu về danh tướng qua các nguồn tư liệu khác nhau, trong các mối quan hệ giữa lịch sử và huyền thoại, vai trò của Cao Lỗ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Âu Lạc, Giáo sư Phan Huy Lê nhận định.
     
    Lịch sử thời Âu Lạc đã ghi nhận công lao đóng góp to lớn của danh tướng Cao Lỗ

    Lịch sử thời Âu Lạc đã ghi nhận công lao đóng góp to lớn của danh tướng Cao Lỗ
    Lịch sử thời Âu Lạc đã ghi nhận công lao đóng góp to lớn của danh tướng Cao Lỗ
    Cũng trong buổi hội thảo các vấn đề chính được các nhà sử học triển khai phân tích như việc ra đời và việc chế tạo và sử dụng nỏ thần, bài học trong lịch sử để bảo vệ đất nước mai sau…
    Tiến sĩ Nguyễn Đức Truyến chia sẻ: “ Cao Lỗ giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa là biểu tượng của sự xây dựng tinh thần thống nhất giữa các cộng đồng dân cư vùng cao và vùng thấp trong quá trình hình thành cộng đồng dân tộc VN. Sự thống nhất này đã giúp hóa giải những xung đột cộng đồng vùng miền, cho phép vượt qua những cản trở trong việc xây dựng thành Cổ Loa và mở đường cho việc thành lập nước Âu Lạc”.
    GS Phan Huy Lê tổng kết hội thảo bằng nhận đinh: “Tất cả sự kiện và nhân vật lịch sử cổ đại đều bị bao phủ bởi màn sương huyền thoại như vậy. Chúng ta nên coi đó là chuyện tất yếu và cũng không nên vì bức màn bí ẩn của truyền thuyết mà mất niềm tin về sự thật lịch sử lúc bấy giờ”.

    Thiên Lam

    Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

    Đình Chu Quyến

    Thuộc địa phận xã Chu Minh, huyện Ba Vì, đình Chu Quyến là một ngôi đình cổ, được xây dựng từ thế kỉ XVII, góp phần làm nên vẻ đẹp văn hóa cho vùng đất thiêng Ba Vì và Thủ đô Hà Nội hơn nghìn năm tuổi.

    Lâu nay, đình Chu Quyến được mệnh danh là ngôi đình lớn nhất xứ Đoài, thuộc làng Chu Quyến, một ngôi làng hiền hòa nằm ven đê sông Hồng. Đình Chu Quyến thờ Nhã Lang, con cả của Lý Phật Tử (thế kỉ VI) và bà thứ phi Lã Thị Ngọc Thanh, mẹ của Nhã Lang. Đình nhìn về hướng Tây Bắc, phía trước có hồ nước rộng. Đình có nhiều đặc trưng của một ngôi đình truyền thống Việt Nam như mặt bằng hình chữ nhật, cấu trúc bộ khung bằng gỗ, sàn gỗ nhiều cấp... Đồng thời, đình thuộc công trình tiêu biểu cho kiến trúc gỗ của người Việt về quy mô, vật liệu sử dụng, sự kết hợp tài tình, hiệu quả giữa điêu khắc và kiến trúc.

    Về kiến trúc, đình Chu Quyến được thiết kế gồm một tòa đại đình hai gian, ba chái trông sừng sững và bề thế, không có công trình phụ trợ, bổ sung nào. Mái đình xoà rộng lan xuống thấp tạo vẻ bề thế, vững chãi, các đầu đao vút cong lên làm toàn bộ ngôi đình nhẹ nhàng, thanh thoát. Mái lợp ngói ta, bờ nóc gắn hai hàng gạch, tường rộng và dày. Trong đình có sân gỗ, chia làm 3 lớp để phân ngôi thứ vào những ngày việc làng thuở trước. Xung quanh đình có tường gạch che gầm sân, có trổ các ô hình chữ nhật ở hàng lan can gỗ. Gian giữa có gian thờ, có cửa võng chạm trổ công phu hình hoa lá, rồng phượng…
     

    Đình Chu Quyến có kết cấu khung gỗ chồng rường với đầy đủ sáu hàng cột, đối xứng nhau qua trục dọc nhà.
    (Ảnh: Trần Huấn)




    Đình Chu Quyến là công trình tiêu biểu cho kiến trúc gỗ dân gian truyền thống của Việt Nam. (Ảnh: Trần Huấn)

    Những cột cái ở gian chính điện đình Chu Quyến đều được làm bằng gỗ lim, một số cột có đường kính lên tới 80cm.
    (Ảnh: Trần Thanh Giang)



    Các tác phẩm chạm khắc gỗ trong đình Chu Quyến hết sức cầu kì, tinh xảo và độc đáo.
    (Ảnh: Trần Huấn - Trần Thanh Giang)

    Các bộ phận bằng gỗ trong đình Chu Quyến là những tác phẩm chạm khắc tinh tế với nhiều đề tài phong phú, phản ánh hiện thực cuộc sống mang giá trị nghệ thuật và nghiên cứu. Trên các xà, ván nong, cửa võng đều có chạm trổ hoa văn rồng, phượng chầu mặt nguyệt, rồng vờn chầu ngọc, rồng và người, rồng và hổ, hình chim phượng và đàn con quấn quýt bên nhau. Chủ đề sinh hoạt đời sống thế kỉ XVI - XVII sống động, từ cảnh người dắt voi, uống rượu đến cảnh gảy đàn, hát múa, chọi gà... Đình Chu Quyến hiện còn lưu giữ những thần tích và các di vật cổ có giá trị lịch sử to lớn, đặc biệt là 15 đạo sắc phong của các triều Lê Trung Hưng (1533 - 1788), Tây Sơn (1778 - 1802), Nguyễn (1802 - 1945) phong thần cho Nhã Lang Vương. Đình Chu Quyến không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người dân mà còn là địa điểm diễn ra các hoạt động văn hóa - xã hội của cộng đồng làng xã.

    Do xây dựng hàng trăm năm nay, mối mọt làm hư hỏng nặng nên đình Chu Quyến cách đây không lâu đã được tiến hành tu bổ, tôn tạo, theo “Dự án thực nghiệm tu bổ tôn tạo đình Chu Quyến”. Nội dung bảo tồn rất tỉ mỉ, trong đó xác định chính xác những tác nhân gây hại để loại bỏ hoặc giảm thiểu tác nhân gây ảnh hưởng tới di tích. Kết hợp sử dụng vật liệu, công nghệ truyền thống với vật liệu, kĩ thuật, công nghệ mới để tăng độ bền vững, sự ổn định lâu dài của di tích, trên cơ sở bảo tồn tối đa các thành phần nguyên gốc cùng giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Đồng thời, cải thiện môi trường, phục hồi, tôn tạo khung cảnh tổng thể công trình, tương ứng với đặc điểm của di tích.
     

    Đình Chu Quyến được trùng tu trên cơ sở áp dụng kĩ thuật tân tiến nhưng không xa rời yếu tố gốc.
    (Ảnh: Tư liệu Viện Bảo tồn Di tích)

    Đình Chu Quyến sau khi trùng tu, tôn tạo, vẫn giữ được nét đẹp cổ xưa. (Ảnh: Trần Huấn)

    Công trình sau khi hoàn thành đã được Hiệp hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) trao giải thưởng về bảo tồn di sản kiến trúc năm 2010 khu vực Châu Á và Châu Đại Dương, ghi nhận thành công trong công tác trùng tu, tôn tạo, trên cơ sở sử dụng kĩ thuật tiên tiến nhưng không xa rời yếu tố gốc, vẫn thể hiện được nét đẹp cổ xưa của ngôi đình hơn 400 năm tuổi./.
                                        
    Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Trần Huấn, Trần Thanh Giang & Tư liệu Viện Bảo tồn Di tích

    Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

    Ngủ thăm (Người Mường Phú Thọ)

    Phong tục tập quán

    Kỳ 1: Đường lên bản Cỏi
    Thật khó có thể tin, người Mường ở Bản Cỏi, Xuân Sơn, Phú Thọ từ hàng ngàn đời nay lại lưu truyền một phong tục hết sức kỳ lạ là tục “cạy cửa… ngủ thăm”. Mỗi khi màn đêm buông, những chàng trai chưa vợ có thể cạy cửa nhà các thiếu nữ mới lớn để chui vào tán tỉnh trong tư thế chung chăn, chung gối với cô gái. Nếu mọi chuyện tốt đẹp, cô gái ưng bụng người đến cạy cửa nhà mình, sau 5 – 6 lần ngủ thăm, chàng trai sẽ mang bạc trắng, lợn béo, rượu cần sang hỏi cô gái làm vợ…
    Vốn được nghe từ một người bạn sống trên vùng cao hôm xuống nhà chơi kể lại, tôi cũng bán tin bán nghi, nay nhân có chuyến công tác lên Phú Thọ, tôi thử một phen đi tới bản Cỏi để được tận mắt chứng kiến về cái phong tục diễm tình hoang sơ này cho hả dạ.
    Từ trung tâm của thị trấn Thanh Sơn (Phú Thọ) hỏi thăm đường vào bản Cỏi, bác xe ôm với vẻ mặt e ngại nói với tôi: “Bản Cỏi nằm tận cùng của xã Xuân Sơn, còn xa mới tới nơi, mà đường núi khó đi lắm, chú đi phải cẩn thận”. Nghe nói vậy cũng hơi ái ngại, nhưng sức hấp dẫn của tục ngủ thăm kia đã cứ thôi thúc mãnh liệt khiến tôi quyết tâm đi xe tới bản Cỏi cho bằng được.
    Quả thật như lời bác xe ôm, đường vào Bản Cỏi liên tục những khúc quanh co, những đoạn dốc dài vài km, xe phải về số 1 ì ạch mãi mới leo hết. Nhất là khi đi vào khu vực vườn quốc gia Xuân Sơn, do cây cối bao phủ, mặt đường ẩm ướt và trơn trượt, nếu không phải tay lái cứng thật khó có thể đi qua đây được
    ngu tham ban coi Khám phá tục Ngủ thăm người Mường Phú Thọ   Kỳ 1
    Bản Cói – Xuân Sơn
    Mất hơn 2 tiếng đổ đèo leo dốc tôi mới đặt chân được tới được Bản Cỏi, đây là nơi xa nhất của xã Xuân Sơn, khung cảnh hết sức hoang sơ, gần như biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Chỉ có vài chục nóc nhà sàn chụm tập trung dưới những ngọn núi cao chót vót quá tầm mắt. Bản Cỏi một bên giáp huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), mạn kia tựa vào huyện Phù Yên (Sơn La).
    Lúc tới nơi trời cũng đã nhá nhem tối, khổ nỗi ở đây lại chẳng có lấy một nhà nghỉ hay phòng trọ cho khách thuê, tôi đành đánh liều vào xin ngủ lại ở một ngôi nhà sàn ở đầu bản. Sau khi giới thiệu, biết tôi là nhà báo, anh chủ nhà năm nay 37 tuổi, tên Hà Văn Dũng rất nhiệt tình mời tôi ở lại, còn gọi vợ lên cùng ngồi để tiếp chuyện.
    Sau vài chén trà ấm, tôi mở lời hỏi về tập tục ngủ thăm kỳ lạ, nghe thấy tôi hỏi anh chủ nhà cười khoái chí “ra là nhà báo muốn viết về tập tục cạy cửa… ngủ thăm ở đây à”. Vừa tủm tỉm cười, anh Dũng vừa giải thích cho tôi nghe: “Tục cạy cửa ngủ thăm ở bản Cỏi có từ rất lâu đời rồi, những thiếu nữ đến tuổi cập kê, ban ngày đi làm ngoài đồng, ngoài nương, tối đến thắp một ngọn đèn, buông màn sớm và nằm trong đó. Các chàng trai trẻ đã để ý cô gái mà mình thích từ trước sẽ tìm đến nhà đó để tìm cơ hội vào cạy cửa để được ngủ thăm.
    Nếu thấy đèn trong buồng của cô gái còn sáng nghĩa là cô gái đó vẫn đang chờ đợi người tình, muốn vào nhà, chàng trai phải tự cạy cửa. Khi vào được nhà người tình trong mộng, chàng ta sẽ nằm xuống giường cô gái và phải để tự bàn tay cô gái ấy tắt hay vặn nhỏ ngọn đèn.
    Hai người chỉ được trò chuyện, tâm sự mà không được chạm vào người nhau. Vì người Mường ở đây quan niệm rằng: tình cảm không chỉ là chuyện riêng tư của đôi trai gái mà còn là mối quan tâm chung của thổ thần (thần đất, quán xuyến công việc của mỗi nhà), tổ tiên và gia đình. Do đó người con trai phải cạy cửa vào tận giường để tâm tình cùng người con gái trước sự chứng kiến của “ba bề, bốn bên”. Hành động cạy cửa cũng chính là dịp để thử tài khéo léo, giỏi giang của chàng trai.
    Việc “vào tận nhà, sà tận giường” đối tượng cũng chính là dịp để người con trai tìm hiểu gia cảnh của người con gái mà mình có thể lấy làm vợ… Sau nhiều đêm tìm hiểu như thế, cô gái sẽ có quyền quyết định cho chàng trai đó “ngủ thật” hay không.
    Nếu cô gái ưng bụng chàng trai đến ngủ thăm, để được “ngủ thật” cùng nhau, hai người phải thưa với bố, mẹ cả 2 bên gia đình để xem có hợp tuổi không. Khi thời gian “ngủ thật” bắt đầu, cũng là lúc chàng trai phải đến ở làm công cho gia đình cô gái. Cứ ngày đi làm cùng gia đình, tối về ngủ với cô gái mình có ý định tìm hiểu.
    Trong thời gian này, chàng trai không được về nhà mình, muốn về phải được gia đình cô gái cho phép. Nếu cô gái không thích chàng trai nữa thì cô gái sẽ gói quần áo cùng với một gói cơm nắm cho vào địu để đuổi khéo”. Anh Dũng cũng cho tôi biết, hồi còn trẻ anh cũng đi ngủ thăm suốt, vất vả cạy cửa mãi mới lấy được vợ chứ chả phải chuyện dễ. Để giúp tôi tận mắt chứng kiến phong tục độc đáo này, anh Dũng bảo cậu con trai năm nay 17 tuổi tên Lợi, lát nữa sau bữa cơm sẽ dẫn tôi đi, theo anh Dũng thì tối nào Lợi cũng cùng các trai bản đi cạy cửa các cô sơn nữ trong bản cả.
    Bữa cơm thiết đãi khách có thịt gà đồi, măng rừng cùng với rượu sắn đều là những thứ cây nhà lá vườn. Vợ anh Dũng nói với tôi rằng, ở đây giá có nhiều tiền cũng chả biết tiêu gì, vì đồ ăn đều tự cung tự cấp, chỉ thỉnh thoảng mua ít đồ tiêu dùng cho sinh hoạt thôi.
    Cơm nước xong xuôi, tôi giục Lợi dẫn đi xem cạy cửa ngủ thăm, Lợi có vẻ phấn khởi nói “anh yên tâm, tí nữa không chỉ cho anh xem, em còn dạy anh cách cạy cửa để vào ngủ thăm nữa”, câu nói của Lợi khiến tôi hết sức vui mừng. Chạy vào nhà mặc chiếc quần dài và cầm theo đèn pin, Lợi đưa tôi đi đến nhà các cô gái trong bản
    Đường ở bản Cỏi không có đèn đường gì hết, tối om, nếu không có đèn pin thì ngay cả người trong bản cũng khó mà đi lại, vì lối vào các nhà rất nhỏ lại toàn cây cối rậm rạp. Vừa đi Lợi vừa kể cho tôi rằng cậu ta biết đi cạy cửa từ lúc mới 13 tuổi, rồi cậu ta kể vanh vách tên, tuổi, nhan sắc của từng cô gái trong bản. Lần mò theo ánh sáng của chiếc đèn pin, Lợi dẫn tôi đến nhà của một cô gái tên Nga mà theo Lợi đây là cô gái đã có cảm tình với Lợi rồi.
    Thấy phía trước có ánh đèn trong nhà, Lợi hí hửng: “may quá, anh em mình đi sớm nên chưa bị “mất phần””, nói rồi Lợi dặn tôi, không cần nói gì cả, cứ nhìn theo cậu ta là biết cạy cửa ngủ thăm ra sao. Đưa cho tôi đèn pin, Lợi bắt đầu tiến đến trước bậc thềm khẽ nhấc cánh cửa nhà sàn lên, rồi đẩy nhẹ vào trong, tức thì chốt cửa rơi xuống và Lợi vẫy tay ra hiệu cho tôi đi vào cùng.
    Vào trong nhà, nhìn thấy tôi đi cùng Lợi, cô gái người Mường tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng sau khi Lợi giới thiệu là người quen dưới xuôi lên chơi, cô gái tên Nga cũng mỉm cười và ra rót nước mời khách. Sau khi khẽ nói vào tai tôi “anh cứ ngồi yên ở ghế nhé, phải tắt đèn không có trai làng lại kéo tới”, Lợi cùng cô gái vén màn, ngồi lên giường tâm sự, lúc này thay vì nói bằng tiếng kinh, Lợi cùng bạn gái trò chuyện bằng tiếng người Mường vì vậy tôi chẳng nghe ra được chữ nào, mà đèn thì cũng tắt nên không nhìn thấy gì hết.
    Ngồi một hồi lâu đèn lại bật sáng, Lợi đi xuống khỏi giường và bảo tôi “thôi, mình về đi anh”, chào tạm biệt cô sơn nữ mà lòng tôi không khỏi thấp thỏm vì đã được xem cạy cửa rồi nhưng chưa biết ngủ thăm thế nào. Chắc cũng đoán được tôi còn tò mò, Lợi nói cho tôi hay: “Tối nay em dẫn anh đi để biết cách thức đã, cạy cửa thì anh biết rồi nhé, còn khi vào được giường cùng cô gái rồi, anh phải hàn huyên tâm sự để lấy lòng cô gái, cái này anh là nhà báo chắc giỏi lắm, khi nào cô thấy cô đáp chuyện vui vẻ và nắm tay mình có nghĩa là đã bằng lòng, lúc đó anh cũng có thể nắm tay hoặc ôm để thể hiện tình cảm. Tối nay coi như cho anh đi thử đã, ở lại đây, tối mai em để anh đi cạy cửa ngủ thăm”.
    Trở về căn nhà sàn của anh Dũng lúc sương đêm đã bắt đầu giăng kín, cái lạnh vùng cao thấu vào da thịt, tôi chui vội vào chăn cho ấm. Vừa lim dim mắt, tôi vừa nghĩ lại về cái tục tìm kiếm bạn tình kỳ lạ ở nơi hẻo lánh, hoang sơ này, và mong sao nhanh đến tối mai để được thử một lần tự mình cạy cửa… ngủ thăm.
    (Còn tiếp)
    Theo báo Bưu điện Việt Nam
    Phần 2: Tôi đi cạy cửa ngủ thăm
    Buổi sáng sau đêm được chàng con trai chủ nhà dẫn đi chứng kiến cảnh ngủ thăm, trong thời gian chờ đợi đến tối để được tận tay cạy cửa nhà sơn nữ, tôi tìm gặp ông Phúc, trưởng bản Cỏi. Khi tôi hỏi ông xem tôi là người bên ngoài đến đi cạy cửa ngủ thăm liệu có vi phạm nội quy gì ở đây không, ông trưởng bản cho biết: “Cậu là người Kinh thì có thể tới cạy cửa bất cứ nhà cô gái nào cậu ưng mắt, miễn là cô ấy vẫn cô đơn chưa có trai bản nào đến nhà ngủ thật, nhưng phải giữ ý tứ và tuyệt đối trong sáng“.
    Lúc về tôi kể với cậu thanh niên Lợi, người đã dạy cho tôi “bí kíp” cạy cửa tối hôm trước những gì ông trưởng bản nói, Lợi vui mừng ra mặt nói cho tôi hay: “Thật ra nhà ông trưởng bản cũng có một cô con gái đẹp lắm, ngặt nỗi ông Phúc cho đi học ở dưới xuôi, nên thanh niên ở bản cũng chẳng có cơ hội để bén mảng tới cạy cửa. Nhưng mà anh yên tâm, em đã nhắm cho anh được một cô thuộc dạng “hoa khôi” rồi, tên Thơm, năm nay 16 tuổi, không chỉ em mà nhiều trai bản khác đến cạy cửa rồi nhưng Thơm chưa ưng ai cả, để lần này anh vào xem sao, thành công thì tốt mà không được cũng chả sao vì đâu phải mình anh “bại trận””.
    ban coi phu tho Khám phá tục Ngủ thăm người Mường Phú Thọ   Kỳ 2
    Bản Cói Xuân Sơn – Phú Thọ
    Và rồi màn đêm cũng buông xuống, cả không gian chìm trong một màu đen tĩnh mịch, âm u của núi rừng Tây Bắc. Chỉ thấy tiếng suối ào ào chảy không ngừng nghỉ, văng vẳng đâu đó những âm thanh rên la, gào thét kỳ lạ của thú rừng.
    Đêm nay trời bỗng đổ lạnh hơn, khoác thêm chiếc áo sơ mi ra ngoài chiếc áo phông, tôi cùng Lợi bắt đầu cuộc hành trình cạy cửa ngủ thăm. Đường đi đến nhà cô gái người Mường tên Thơm cũng khá xa, theo Lợi cũng phải tới 3km, ngoài ánh sáng từ chiếc đèn pin nạp điện Lợi cầm theo thì chỉ có những đốm sáng yếu ớt cứ lóe lên rồi lại vụt tắt của vô vàn các con đom đóm đang bay nhảy nơi núi rừng này.
    Trong lúc đi, nhiều lần tôi bị vấp ngã do đường quá xấu, rất nhiều tảng đá lớn nằm ngổn ngang trên đường vì sạt lở từ trên núi lăn xuống, mà đường cũng ít người đi, nên không ai dọn cả, thành ra muốn đi hết đoạn đường tôi cứ phải áp sát theo phía sau người Lợi như lũ trẻ con vẫn chơi trò “rồng rắn lên mây” vậy.
    Từ xa, ánh đèn lờ mờ của vài nóc nhà sàn cũng đã hiện ra, Lợi nói với tôi “phía trước là nhà em Thơm đó anh, bây giờ em soi đèn cho anh đi vào đến gần cửa rồi anh tự mình “tác chiến” nhé, em sang nhà con bé ngay bên cạnh thôi, nếu vào trong mà Thơm không ưng thì anh sang đây gọi em nhé”. Đợi tôi đi đến thềm nhà, Lợi đổi hướng chiếu đèn và đi sang nhà bạn tình của anh chàng, thú thật là khi còn có một mình, tôi cũng hơi lúng túng. “Kể ra có hai đứa, chưa biết còn ỷ lại được cho nó, giờ đơn thương cũng thật ái ngại”. Nghĩ bụng thế nhưng tôi cũng đánh liều bước đến trước cửa, đèn bên trong vẫn sáng, nhưng không thấy có tiếng động gì cả, tôi cố nhớ lại thật chính xác từng hành động cạy cửa của Lợi tối qua, tay tôi bấu vào chỗ gồ lên ở cánh cửa, khẽ tịnh tiến cửa lên phía trên để tạo độ trũng cho then cửa tuột ra và “kịch” tiếng then cửa rơi xuống nền nhà khiến tim tôi cùng lúc đập thình thịch. Vậy là tôi đã vượt qua được cửa ải đầu tiên.
    Tôi hít một hơi dài, cố trấn tĩnh lại tinh thần, khẽ đẩy một cánh cửa để vừa đủ lọt người. Tôi bước vào, đảo mắt nhìn một lượt, căn nhà sàn khá rộng, trống trải, rất ít đồ đạc, chỉ có bộ bàn ghế uống nước đặt ở chính giữa và một chiếc dây thép buộc dọc ở góc nhà treo đầy quần áo dân tộc lẫn những bộ quần áo mà người dưới xuôi vẫn hay mặc. Đến khi tôi đủ dũng cảm để lia mắt về phía chiếc phản gỗ buông màn trắng thì cũng là lúc bắt gặp ánh mắt sáng ngời của cô gái trong tư thế đang vén màn lên một cách ngơ ngác.
    Biết Thơm đang khó hiểu vì sự xuất hiện của một chàng thanh niên đeo kính cận, từ đầu tóc cho đến trang phục đều khác xa so với các trai bản, tôi liền nói bằng một giọng trầm ấm nhất có thể “chào em, anh là anh họ của Lợi con chú Dũng mới lên đây, anh là người Kinh, em cho anh ngồi xuống giường với nhé”.
    Trái với những lời Lợi nói rằng Thơm rất kén, khéo tôi bị đuổi ngay từ cửa, cô gái mỉm cười nói “anh ngồi đi, nhưng sao anh lại đến nhà em”. Tôi thật thà kể cho Thơm nghe về mục đích của mình là muốn đến đây tìm hiểu về phong tục kỳ lạ cạy cửa ngủ thăm của người Mường một lần cho biết. Cô bé tỏ vẻ rất thích thú lắng nghe và hỏi tôi: “Anh đi một mình như thế không sợ à, lên dân tộc dễ bị chài lắm đấy”. Thấy Thơm đã có vẻ cởi mở, tôi cũng mạnh miệng ‘sợ gì, nếu lỡ có cô gái đẹp như em chài anh cũng muốn”. Nghe vậy, Thơm cười khúc khích.
    Quả thật là tôi không tin mình lại may mắn đến vậy, lần đầu cạy cửa lại tìm được một sơn nữ đẹp như trăng rằm, đúng là vẻ đẹp của các cô gái miền núi thật khác với con gái dưới xuôi, Thơm để tóc dài, buộc bằng một chiếc vải lụa màu trắng, mái tóc được rẽ mái ôm gọn gàng quanh viền tai, đôi mắt đen với hàng lông mi rậm. Khuôn mặt trái xoan với má lúm đồng tiền làm nụ cười duyên dáng lạ kì, bảo sao thằng Lợi nói lũ thanh niên quanh bản này mê mẩn Thơm lắm.
    Nói chuyện được một lúc, tôi thấy Thơm khẽ mỉm cười bước ra khỏi giường, tôi chưa hiểu chuyện gì, thì thấy ánh đèn chợt vụt tắt. Thơm nói khẽ trong màn đêm, “em tắt điện không lại có người khác vào”. Lúc màn đêm ập tới cũng là khi tôi biết, Thơm cũng có cảm tình với mình nên muốn giữ mình trò chuyện. Trong bóng tối tĩnh lặng đó, tôi nghe rõ từng hơi thở của Thơm, cảm nhận thấy luồng hơi ấm tỏa ra từ người con gái đang ngồi bên cạnh. Bất giác, em nắm tay tôi, bàn tay mềm mại và mát lạnh của sơn nữ làm trái tim tôi cũng loạn nhịp. Tôi không ngờ cái tục lệ này lại mang một màu sắc lãng mạn đến kỳ lạ như vậy.
    Với giọng thì thầm, Thơm nói với tôi thật thân tình: “Cái tục cạy cửa ngủ thăm này với trai bản thì thích chứ với con gái như em nhiều lúc cũng mệt lắm, nhiều người đến, dù không thích nhưng vẫn phải tiếp rồi lựa lời để chối từ. Có lúc đuổi mãi còn không chịu về, nhiều lần phải ngồi thi gan đến vài tiếng đồng hồ chẳng nói câu gì. Từng người đến rồi lại đi, không biết bao giờ em mới kiếm được một người để làm chồng”.
    Tôi khẽ vỗ về Thơm, em ngả đầu ngon lành bên vai tôi, bất chợt tôi lại nhớ đến lời căn dặn của ông trưởng bản, tôi biết mình phải giữ đúng nét trong sáng của cái tục lệ tìm kiếm bạn tình hoang sơ này. Cũng không biết mình ngồi đó cùng Thơm bao lâu, thấy em dường như đã yên giấc, tôi khẽ đặt em nằm xuống gối, toan xuống giường để ra về, tay tôi lại bị nắm chặt một lần nữa,
    Thơm nói: “Anh đi về à”, tôi đặt nhẹ tay lên bên má mịn màng khẽ an ủi: “Anh phải về không chú Dũng lo, rồi anh sẽ quay lại thăm em”.
    Bước ra khỏi cửa mà lòng tôi bứt rứt không yên, vậy là tôi đã thực sự biết cạy cửa ngủ thăm nhà sơn nữ, chưa lần nào đi viết mà tôi lại nhập vai đến vậy. Mùi hương từ mái tóc Thơm vẫn còn lan tỏa bên khứu giác, lòng tôi dấy lên một nỗi niềm khó nói thành lời. Lững thững dò dẫm định tìm đường sang nhà bên để gọi thằng Lợi về thì tôi đã thấy nó lao đến trước mặt ‘anh giỏi thế, tán được em Thơm à, sao ngồi lâu thế, em ngồi đợi gần 2 tiếng rồi đấy”, Lợi nói như sợ ai ăn cướp lời.
    Tôi hỏi nó “anh tưởng mày chơi bên kia cơ mà” thì được Lợi cho biết, nó không được bạn tình ưng, cố lân la được một lúc thì bố mẹ cô gái kia về, nên nó đành ra đây ngồi đợi tôi.
    Đường trở về nhà chú Dũng lần này sao mà nhanh quá, có lẽ vì tôi vẫn miên man với những suy nghĩ về Thơm. Không biết em có thể tìm được cho mình một người chồng yêu thương thực sự không, hay sẽ bị lợi dụng bởi chính cái tục lệ kỳ lạ cạy cửa…ngủ thăm này.
    Theo báo Bưu điện Việt Nam

    Hát ghẹo

    Phong tục tập quán


    Hát ghẹo ở huyện Tam Nông và Thanh Sơn cũng như hát xoan đã trở thành sản phẩm riêng của Phú Thọ. Nó mang phong cách đậm đà màu sắc địa phương, phát triển liền mạch theo thời gian. Cứ vậy, hát ghẹo Phú Thọ không bị lẫn với hát ghẹo ở bất cứ nơi nào.
    Hát Ghẹo là lối hát tục nước nghĩa (kết nghĩa) trong ngày hội của các làng Nam Cường xã Thanh Uyên, Bảo Vệ xã Hương Nộn (Tam Nông), Hùng Nhĩ ( Thanh Sơn). Họ quan hệ với nhau theo quy định, năm nay làng này mời, năm sau làng kia mời, theo chu kì hai năm đến lượt một lần.
    hat gheo phu tho1 Tìm hiểu về Hát Ghẹo Phú Thọ
    Hát Ghẹo ngày nay
    Nơi sở tại chọn nữ hát, nơi được mời cử một đội nam sang hát. Hát Ghẹo cũng hát trong ngày hội, nhưng không hát ở đình làng như Hát Xoan, mà sau khi tế lễ xong ở đình thì về một gia đình nhà cửa khang trang, sân rộng làm nơi tổ chức hát. Các quan khách, ông Trùm và các anh bên được mời ngồi ở sập hoặc trên giường gian giữa, làng sở tại bà Trùm và các chị trải chiếu ngồi trên nền nhà hoặc trên giường gian bên. Khi hát thường đối đáp hai người nhìn vào mặt nhau vừa hát, vừa thể hiện tình cảm. Dân  làng chỉ vây quanh xem tỏ thái độ tán thưởng không tham gia vào cuộc hát. Hát Ghẹo không có nhạc cụ, trống phách đệm và cũng không có múa, diễn kèm theo.
    Mỗi cuộc Hát Ghẹo đều có tổ chức hát thi giữa hai làng nước nghĩa, nhưng không trao giải chỉ để cuộc hát thêm hào hứng, hấp dẫn . Có hai loại thi, thi câu và thi giọng. Để tính điểm họ dùng một cái lạt tre hoặc thanh đóm mỗi lần hát bẻ một khúc gọi là bẻ cò. Bên thua phải lấy trang phục như khăn, áo hoặc một vật nào đó trao cho bên được. Hát xong bên được trả lại các thứ đó cho  bên thua.
    Mỗi cuộc Hát Ghẹo từ chập tối đến sáng hôm sau, trọn một đêm.
    Về nguồn gốc Hát Ghẹo các cụ nghệ nhân kể: Ngày xưa, làng Hùng Nhĩ có nhiều rừng, nhiều gỗ quý, ruộng đất xấu trồng trọt thu hoạch kém. Làng Bảo Vệ nằm dọc theo sông Thao đất phì nhiêu lại không bị thú rừng phá nên luôn được mùa, nhưng không có rừng, thiếu gỗ làm nhà. Do vậy hai bên kết nghĩa giúp nhau. Hùng Nhĩ mất mùa, Bảo Vệ giúp tiền, giúp lúa. Bảo Vệ cần gỗ làm nhà, Hùng Nhĩ chọn gỗ quý gửi ra. Mối quan hệ giữa hai làng ngày càng gắn bó chặt chẽ. Nhân dân đi lại vui chơi, ca hát thành Hát Ghẹo.
    Các cụ Nam Cường  kể : Cách đây lâu lắm  đình làng Nam Cường bị cháy. Dân làng Nam Cường phân nhau đi các nơi có rừng để tìm gỗ quý dựng lại đình. Đi nhiều nơi mà vẫn chưa tìm được gỗ tốt, duy có nhóm lên Vàng ( Thanh Sơn) nơi đồng bào Mường ở mới tìm được gỗ quý. Nhân dân trong bản đã giúp đỡ nhân dân Nam Cường chọn những cây gỗ quý nhất đóng bè thả theo dòng sông Bứa ra sông  Thao về Nam Cường. Khi bè đến Hùng Nhĩ thì bị mắc cạn. Nhân dân Hùng Nhĩ kéo ra giúp đỡ, họ khơi dòng sông đưa được bè gỗ ra khỏi chỗ cạn và cùng ngồi trên bè về Nam Cường. Trong lúc lao động và ngồi trên bè họ hát với nhau. Cảm kích trước lòng tốt của nhân dân Hùng Nhĩ hai làng kết nghĩa với nhau . Từ đó hai bên qua lại thăm nhau hát trong ngày hội thành Hát Ghẹo ( theo Truyện dân gian đất Tổ của Bùi Đình Đô- Dương Huy Thiện).
    Mỗi cuộc Hát Ghẹo tổ chức theo trình tự sau.
    - Cầu hội diện.  Trước ngày hội khoảng một tháng, làng mời các cụ bô lão trong làng tới họp để bàn tổ chức Hát Ghẹo. Ngày họp này gọi là ” Cầu hội diện”. Quy mô tổ chức hội lớn hay nhỏ tuỳ thuộc vào  năm đó được mùa hay không để quy định dân làng đóng góp. Nếu năm nào được mùa dân đóng góp nhiều thì tổ chức to, mời nước nghĩa đến dự. Năm nào mất mùa thì tổ chức nhỏ không mời nước nghĩa. Khi hội nghị các bô lão quyết định mời nước nghĩa dự, thì các cụ cử hai bà đứng tuổi đã tham gia nhiều lần Hát Ghẹo, thuộc nhiều điệu hát để huấn luyện khoảng từ 15 đến 20 cô gái chọn trong làng tuổi 16-20, không bận bựu gia đình, không có tang, người đẹp hát hay, thông minh biết giao tiếp. Bên được mời cũng cử hai ông đứng tuổi biết nhiều giọng điệu  hướng dẫn tốp trai làng trẻ đẹp hát hay để sang dự, số lượng do bên mời quy định.
    -Ví đãi trầu.
    Phần mở đầu cuộc hát. Trầu được để vào khay hoặc khăn tay, các chị bưng  đến trước mặt các anh mời bằng Ví mời trầu:
     Nữ hát:             
    Miếng trầu để đĩa bưng ra
    Xin anh nhận lấy để mà thở than.
    Miếng trầu để đĩa bưng ra
    Có cau có rễ, lòng đà có vôi .
    Hay là trầu héo cau ôi
    Mà anh lại để trầu mời không ăn…
    Cứ thế các cô gái làng lần lượt mời trầu, nhưng các anh không nhận bằng câu hát :
    Nam:
    Miếng trầu ăn nặng bằng chì
    Ăn thì ăn vậy lấy gì trả ơn.
    Nữ :
    Miếng trầu ăn nhẹ như bông
    Ăn thì ăn vậy nhưng không có gì.
    Mời mãi rồi các anh cũng phải nhận trầu và chuyển sang :
    - Giọng sổng .
    Trên một điệu hát, hai bên đối đáp bằng những lời ca khác nhau. Vì thế người hát ở cả hai bên phải thuộc rất nhiều câu ca dao để vận vào cho hợp.
    Vì anh em mới tới đây,
    Bỗng dưng chiếu trải màn quây giữa nhà.
    Hay như
    Anh với em như vợ với chồng,
    Như bến với sông, như thuyền với lái…
    -Sang giọng ( các điệu vặt )
    Đây là phần âm nhạc phong phú nhất của Hát Ghẹo . Ở các phần trên  Ví mời trầu, Giọng sổng thời gian hát được kéo dài là ở lời hát, về âm nhạc chỉ có một điệu dài vài chục ô nhịp. Trên nét nhạc ấy được hát bằng rất nhiều lời khác nhau. Hơn nữa điệu nhạc này cũng rất đơn giản,  giai điệu mang tính hát nói, ngâm ngợi, tiết tấu cũng không có gì đặc biệt.
    Theo các cụ nghệ nhân cho biết phần sang giọng này có 36 điệu . Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Hoè đã ghi âm được 27 điệu, đây cũng là việc đáng quan tâm cần tiếp tục sưu tầm thêm . Gần đây thực hiện đề tài ” Nghiên cứu, bảo tồn  và phát huy di sản Hát Ghẹo Phú Thọ”, Ngô Thị Xuân Hương ( Chủ nhiệm đề tài) khai thác thêm một điệu Hát Ghẹo mới là Hát đố. Trên tập  Văn nghệ dân gianPhú Thọ, xuất bản 1999, đăng bài Buông áo em ra do cụ Trần Thị Hợi, ở Văn Lang hát, Trần Văn Thục sưu tâm và ghi âm . Ông Thục công bố điệu hát này với hi vọng nhờ các nhạc sĩ cho ý kiến xem có phải là Hát Ghẹo không? Tôi có đọc kĩ, thấy bài này có những nét của Hát ghẹo , nếu tiếp thu ở nơi khác thì cũng đã được Ghẹo hoá. Theo tôi làn điệu này có thể bổ sung vào kho tàng Hát Ghẹo được. Việc làm này của ông Trần Văn Thục đáng quý thể hiện sự trân trọng đối với di sản văn hoá của ông cha ta để lại.
    Mỗi điệu hát ở phần Sang giọng này đều là những điệu hát hoàn chỉnh. Nó chứa tất cả những đặc sắc về âm nhạc của Hát Ghẹo. Về giai điệu trong Hát Ghẹo phần nhiều mang tính chất trữ tình, khi du dương bay bổng đằm thắm, khi giãi bày tâm sự, chòng ghẹo, bóng gió…Cùng với cách hát luyến láy mềm mại, rung hơi, rung cổ vang rền nảy hạt làm súc động lòng người. Tiết tấu trong Hát Ghẹo cũng có nhiều âm hình độc đáo, tinh tế.  NS. Nguyễn Đăng Hòe có nhiều năm nghiên cứu Hát Ghẹo đã xuất bản cuốn ” Bước đầu tìm hiểu Hát Ghẹo Vĩnh Phú” năm 1978 đã nhận xét: ”Những loại bài hát này có bản sắc riêng, tính chất riêng, phong cách riêng. Mỗi bài chứa đựng một nội dung tình cảm nhất định không thể lẫn lộn giọng này sang giọng khác, bài này sang bài khác.
    Mặc dù kĩ thuật còn đơn giản nhưng nội dung chứa đựng một tình cảm rất dồi dào, cho nên những bài hát ở đây đã đạt đến mức độ cao về nghệ thuật, truyền cảm sâu sắc có thể so sánh với những bài dân ca hay mà chúng ta đã sưu tầm được ở những nơi khác”.
    Có những điệu khi được hát lên khắc hoạ rõ nét cảnh sắc vùng đất trung du như điệu Thuyền ai róc rách làm ví dụ. Âm điệu của bài này ta hình dung thấy đồi, gò nhấp nhô, con người được tôn lên hoà cùng với cảnh sắc, thiên nhiên. Ở đây còn thấy những tiếng gọi bạn thân thương, gân gũi, có tiếng róc rách của nước, của cành cây la xuống bên ngòi, khi thuyền luồn lách theo con ngòi nhỏ. Hoặc ở bài Bà rí từ giai điệu đến tiết tấu làm ta cuốn hút lắc lư hào hứng cùng điệu hát.
    Người hát ở phần này phải thuộc nhiều điệu, khi hát không cần phải theo thứ tự nào, muốn hát điệu nào trước cũng được, người đáp lại phải hát  đúng điệu ấy chỉ thay bằng lời khác.
    Hát hết 36 giọng trời vừa sáng, dân làng dọn cỗ mời các anh ăn, sau đó đến phần hát tiễn chân về quê.
    Ví tiễn chân.
    Là cuộc hát của các trai gái hai làng tiễn nhau trên đoạn đường dài vài cây số. Họ tiễn nhau bằng những lời hát sâu lắng, quyến luyến chan chứa lòng yêu thương:
    Anh về có chốn thở than
    Em về ngồi tựa phòng loan một mình.
    Hay
    Trăm năm gắn bó như nêm
    Chữ tình tạc dạ chữ duyên ghi lòng…
    Dù bịn rịn, dùng dằng lưu luyến đến đâu chăng nữa cũng phải chia tay. Tình cảm ấy còn mãi trong lòng họ. Có lần cụ Tuân ( nghệ nhân Hát Ghẹo) kể cho tôi nghe : “Sau mỗi cuộc hát chúng tôi nhớ nhau lắm, tuy vẫn thường nhận được tin của nhau nhưng hàng năm chúng tôi tìm mọi cớ để được gặp nhau như, vào Thanh Sơn kiếm củi hoặc ngày mùa vào gặt thuê, hoặc tìm một công việc nào đó chỉ mong để được gặp nhau”. Khi kể lại trong lòng cụ vẫn còn xốn xang, bồi hồi xúc động và cả sự bùi ngùi luyến tiếc một thời Hát Ghẹo đã qua.
    Tỉnh Phú Thọ có hai vốn dân ca lâu đời phong phú và đặc sắc, đó là Hát Xoan và Hát Ghẹo. Hát Xoan, vừa qua  Thủ tướng chính giao cho Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch và UBND tỉnh Phú Thọ lập hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hoá của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Theo tôi nghĩ Hát Ghẹo cũng cần được quan tâm đúng mức nhằm giữ gìn, phát triển vốn dân ca này.
    Tác giả: NS.CAO KHẮC THUỲ

    Email tạm thời bấm vào đây THƠ-BÀI VIẾT-ÂM NHẠC