Hãy sống vui vẻ với những điều ta yêu thích,những điều ta muốn khám phá,những việc ta muốn làm trong khuôn khổ cho phép của thời gian!

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

DÒNG HỌ CỔ VIỆT NAM

Đó là dòng họ duy nhất còn giữ lại được ngọc phả chứng minh cụ tổ của dòng tộc mình đã được sinh ra và có công giúp Hùng Vương dựng nước và giữ nước.
    “Nếu đến năm 2015 mà dòng họ Nguyễn và dòng họ Cao không tìm được thấy ngọc phả của mình, thì dòng họ Ma sẽ được ghi nhận là dòng họ lâu đời nhất ở Việt Nam”, ông Ma Ngọc Bảo, tộc trưởng dòng họ Ma ở Phú Thọ tự hào cho biết.
    Huyền tích Ma tộc, Ma Thành
    Một chiều đầu xuân nắng nhẹ, nhân có chuyến công tác tại TP. Việt Trì, Phú Thọ, tôi chạy xe lòng vòng dạo quanh nơi các Vua Hùng đã có công dựng nước cho con cháu rồng tiên ngàn đời an cư lạc nghiệp. Bất chợt trong giây lát, tôi nhớ đến một dòng họ mà người ta vẫn nôm na định nghĩa về nó là dòng họ duy nhất ở Việt Nam hiện nay có ngọc phả từ thời Hùng Vương. Tò mò những câu chuyện về một dòng họ xuất hiện từ thời đại mở nước, tôi quay xe vòng qua phường Gia Cẩm, nơi gia đình ông tộc trưởng dòng họ sinh sống theo lời chỉ dẫn của những người dân nơi đây. Họ khẳng định: “Muốn nghe chuyện dòng họ Ma thì chỉ có đến nhà ông Ma Ngọc Bảo”.
    Đền Trù Mật ở thị xã Phú Thọ, nơi thờ tộc trưởng đời thứ 43 và còn lưu giữ thanh đao của dòng họ.
    Đền Trù Mật ở thị xã Phú Thọ, nơi thờ tộc trưởng đời thứ 43 và còn lưu giữ thanh đao của dòng họ.
    Dáng cao gầy, khuôn mặt rạng rỡ với nụ cười thân thiện, ông Bảo trẻ hơn rất nhiều so với cái tuổi 76 mà tôi được biết. Thấy tôi giới thiệu là phóng viên, muốn đến nghe ông chia sẻ những câu chuyện thú vị quanh dòng họ của mình, nét mặt ông ánh lên niềm tự hào khó diễn tả. Ông mời tôi ngồi, pha tách trà nóng và đi ngay lên tầng ba mang xuống một tập tài liệu dày. Ông cười mà rằng: “Không có cái này, mình khó ăn nói với thiên hạ về việc dòng họ đã có từ thời Vua Hùng lắm”.
    Ông Bảo cho biết: “Trong mười tám chi họ Hùng tồn tại ở Việt Nam với gần chín mươi đời vua thì cụ tổ Ma Khê của dòng họ là con Hùng Nghị Vương thứ ba năm 354 trước Công nguyên, thuộc đời Hùng Vương thứ 17. Họ Ma là người dân tộc Tày, định cư chủ yếu ở vùng núi Đọi, ven sông Thao, nay thuộc đất Cẩm Khê, Phú Thọ. Cụ tổ Ma Khê là người tài đức song toàn, từ nhỏ đã bộc lộ nhiều khả năng xuất chúng. Năm 18 tuổi, ông đã thay cha giữ chức tộc trưởng đứng đầu bộ tộc Tày núi Đọi. Đến đời Hùng Vương thứ 18, gặp lúc trong nước có giặc, ông đã mang dân binh Ma tộc về giúp vua Hùng đánh giặc, lập nên nhiều chiến công lớn, được Hùng Duệ Vương yêu mến và phong chức Đại tướng quân. Sau đó, ông được giao nhiệm vụ trấn thủ đất Phong Châu, đóng quân ở ngã ba sông Bạch Hạc. Với nhiều công lao to lớn, Ma Khê được Hùng Duệ Vương thứ hai phong cho đến chức Phụ Quốc Ma Vương Đại Thần, Đại Tướng Quân và triệu về triều đình giúp vua trị nước an dân.
    Nhân dân bộ tộc núi Đọi rất tự hào về ông và dần dần người ta tự đổi tên vùng đất mình sống thành đất Ma Khê. Bất cứ ai, đi đến đâu chỉ cần nói là người vùng Ma Khê thì thiên hạ cúi đầu nể phục. Trải qua hàng nghìn năm, vùng đất này được mở rộng và thành tên Ma Khê. Đến thời đất nước chia nhiều quận huyện thì gọi là huyện Ma Khê, có triều đại đổi thành huyện Hoa Khê, và cuối cùng là cái tên Cẩm Khê như ngày nay.
    Sau đời cụ tổ Ma Khê thành danh, có nhiều công lao giúp rạng danh vua Hùng, họ Ma đã lui về ở ẩn và chuyên tâm làm nông nghiệp. Đến đời thứ 43 của dòng họ, Ma Xuân Trường (930 – 966) đã lại một lần nữa giúp dòng tộc họ Ma trở nên rạng danh với nước nhà. Đó là vào thời điểm khi nhà Ngô tan rã, đất nước ta rơi vào loạn mười hai sứ quân. Vùng phía Bắc lúc này do một người là Kiều Thuận cai quản với một vị tướng dưới quyền là Ma Xuân Trường. Trong loạn chiến, khi Kiều Thuận bị thương, Ma Xuân Trường đã kịp thời giải cứu và đưa cả họ tộc chạy lên vùng Tuần Quán, Yên Bái và tạ thế tại đây. Hiện nay, ở Yên Bái vẫn còn di tích đền thờ ông. Sau khi lên ngôi, Đinh Bộ Lĩnh đã không truy cứu Kiều Thuận mà còn phong danh hiệu Trung quân ái quốc và ban cho dân lập đền thờ tại TX. Phú Thọ ngày nay.
    Cụ tổ Ma Khê là một trong bốn vị tướng quốc nổi tiếng thời đại Hùng Duệ Vương. Ba vị còn lại bao gồm Cao Sơn, Quý Minh và Nguyễn Tuấn. Tuy nhiên, do dòng họ Nguyễn và dòng họ Cao chưa tìm thấy ngọc phả của mình nên trên danh nghĩa thì dòng họ Ma vẫn được ghi nhận là dòng họ tồn tại lâu đời nhất ở Việt Nam cho đến nay. Ông Bảo tự hào cho biết: “Sau nhiều nghiên cứu và trải qua các cuộc hội thảo được thẩm định bởi nhiều nhà sử học nổi tiếng trong nước đã công bố thì đến năm 2015, nếu như không có dòng họ nào tìm được ngọc phả, dòng họ Ma sẽ là dòng họ duy nhất được công nhận là đã tồn tại từ thời vua Hùng. Đây là một vinh dự lớn cho dòng họ Ma ở Việt Nam”.
    Dòng họ duy nhất còn ngọc phả từ thời Hùng Vương
    Ông Bảo lần giở những trang chữ viết tay nắn nót gọn gàng xúc tích ghi đầy đủ tên, năm sinh, năm mất của 79 đời dòng họ Ma tồn tại ở Việt Nam từ xưa đến nay. Ông cho biết: “Đến đời cháu nội tôi hiện giờ là đời thứ 79 của dòng họ. Cũng may thời chiến tranh, khi các bản gốc của gia phả bị thất lạc thì thân sinh của tôi là cụ Ma Văn Thực (1917 – 2004) đã kịp chuyển tải tất cả các thông tin sang chữ quốc ngữ. Đến đời tôi, khi được giao giữ trọng trách tộc trưởng đã rút kinh nghiệm hơn, tôi đem sao lưu gia phả thành nhiều cuốn và phát cho các chi nhánh dòng họ Ma ở Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái …
    Thanh đao của dòng họ Ma còn lưu giữ tại đền Trù Mật.
    Thanh đao của dòng họ Ma còn lưu giữ tại đền Trù Mật.
    Nhiều điển tích xung quanh dòng họ Ma vẫn tồn tại ở khắp vùng Phú Thọ và các tỉnh miền núi phía Bắc lân cận từ Yên Bái, sang Tuyên Quang, Lào Cai… Họ Ma khi phát triển hưng thịnh nhất thời Hùng Vương cũng đã xây dựng được thành lũy gọi là Ma Thành. Ngày nay vẫn còn một quãng dài gần 1km từ đầu ghi xe lửa đường vào đền Trù Mật xuôi xuống đến nhà máy bột sắn Phú Thọ. Nếu nhìn kỹ vẫn còn nhận rõ hình chân thành cổ Ma Thành. Trong thị xã Phú Thọ, khi nhiều người đào giếng và móng xây nhà vẫn còn thấy những viên gạch cổ to bằng viên đá ong nung chín như sành. Đó chính là dấu tích của gạch xây trên tường thành còn sót lại. Để tránh từ Ma, nhiều tên đất tên sông thời này được đổi sang Mè, nay vẫn còn làng Mè, chợ Mè, bến sông Mè… Tất cả những chứng tích đó đã giúp củng cố vào gia phả của dòng họ Ma và thêm khẳng định đây là dòng họ đã hình thành và tồn tại từ thời Hùng Vương mở nước.
    Hiện nay ở đền Trù Mật, TX. Phú Thọ – nơi thờ tộc trưởng thứ 43 của dòng họ Ma là Ma Xuân Trường vẫn còn lưu giữ những cuốn sách đã ngả màu thời gian. Chất giấy cổ từ ngàn xưa đã có phần mủn mục, có cảm giác như chỉ chạm nhẹ tay vào cũng sẽ làm cho tất cả vỡ tan hết. Bởi thế, những gì là lịch sử, là ngọc phả ở nơi đây còn sót lại được người dân nhất là con cháu dòng họ Ma vô cùng nâng niu, gìn giữ và trân trọng.
    Nhà nghiên cứu sử học Đào Duy Anh đã từng gọi truyền thuyết về Ma Khê của dòng họ Ma là “truyền thuyết khuyết sử”. Nhưng với dòng họ Ma nói riêng thì câu chuyện truyền thuyết ấy lại có ý nghĩa vô cùng to lớn và là niềm tự hào của mỗi người con dòng họ.
    (BNDT)

    Tin liên quan
    Lịch sử Việt Nam

    THƠ-BÀI VIẾT-ÂM NHẠC