Hãy sống vui vẻ với những điều ta yêu thích,những điều ta muốn khám phá,những việc ta muốn làm trong khuôn khổ cho phép của thời gian!

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Văn hóa người Việt Cổ

Chuyện chưa biết về người Việt cổ
Giadinh.net - Những tưởng hàng vạn năm trước, khi cuộc sống mang tư tưởng lạc hậu, cái đẹp không được chú ý, nhưng hóa ra, ông bà tổ tiên của chúng ta lại "sành điệu" và biết cách làm đẹp đến kinh ngạc. PGS Nguyễn Lân Cường kể.


PGS Nguyễn Lân Cường tại một khu khai quật.
PGS Nguyễn Lân Cường cười vồn vã: "Muốn tìm hiểu người Việt cổ hả? Cứ nhìn tôi thế nào thì hình dạng họ như thế". PGS Lân Cường cho biết, nhìn chung, chiều cao trung bình của người Việt cổ chỉ khoảng 1m45-1m50. Tuy nhiên, cũng có những mộ táng tìm được, bộ xương có chiều cao tới 1m62…

Các cụ nhà ta biết làm đẹp!

Có đợt đi đào được một khu mộ táng, các nhà khảo cổ tìm thấy một chiếc chum to trong mộ. PGS Lân Cường và các đồng nghiệp tranh luận gay gắt về việc có chôn người trong đó hay không? Ai cũng bảo không thể vừa một người trong lòng chum như thế.
Còn PGS Lân Cường lại nằng nặc bảo rằng: Vừa vặn một người. Và để chứng minh, ông tự mình ngồi cuộn tròn người lại trong chum một cách gọn gàng. Hóa ra, cái chum đó đúng là dùng để làm mộ táng thật. Và PGS Lân Cường đã không chỉ đùa khi nói ông là mẫu người chuẩn của người Việt cổ. "Thấp bé thế thôi nhưng các cụ nhà ta lại rất ăn chơi nhé. Có nhiều phong tục mà đến giờ con cháu chúng mình theo cũng không hết đâu".


Chum dùng làm mộ táng.
PGS Nguyễn Lân Cường mô phỏng lại tục táng mộ chum của người Việt cổ (ảnh do PGS Lân Cường cung cấp)


Vào năm 1997, Viện Khảo cổ và bảo tàng Quảng Ngãi phát hiện tại xóm Ốc, xã Lý Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có một mộ đất song táng kỳ lạ. Người đàn ông khoảng 50-60 tuổi được chôn cùng một người phụ nữ khoảng 20-25 tuổi với niên đại của văn hóa Sa Huỳnh (năm 1.000 trước Công nguyên).
Điều gây ngạc nhiên cho các nhà khảo cổ là trên bàn tay phải ở ngón tay giữa của người đàn ông có đeo một chiếc nhẫn bằng vỏ ốc.
Với PGS Lân Cường, trong suốt hơn 40 năm làm việc tại Viện Khảo cổ và nghiên cứu khoảng 800 bộ di cốt người cổ thì đây là hiện tượng lần đầu tiên gặp. Người đàn ông này cũng thiếu 2 cái răng cửa! Có người khi xem mộ táng này được trưng bày tại bảo tàng Quảng Ngãi có hỏi: "Người đàn ông chôn cùng kia là bố hay chồng cô gái?". PGS Lân Cường lắc đầu bảo, chỉ có cách làm ADN mới có thể biết rõ điều này.
Những tưởng hàng vạn năm trước, khi cuộc sống mang tư tưởng lạc hậu, cái đẹp không được chú ý, nhưng hóa ra, ông bà tổ tiên của chúng ta lại "sành điệu" và biết cách làm đẹp đến kinh ngạc. PGS Lân Cường kể, qua hàng nghìn ngôi mộ cổ đã khai quật đều thấy trong đó được chôn theo các hiện vật như lọ, chum, quần áo, bát, vòng xuyến… Đây cũng là thói quen của người sống dành cho người chết để khi họ sang thế giới bên kia còn cần những thứ này sử dụng. Tục này cũng giống như cuộc sống hiện đại của chúng ta bây giờ…
8h45 phút ngày 10/5/2006, trong khi dùng chiếc kim nhỏ cậy từng tí đất ở hốc mắt, PGS Lân Cường run lên khi phát hiện màu trắng vôi của thân ốc và hét toáng lên: "Thấy rồi, thấy rồi!". Lớp đất mỏng được bóc đi làm lộ dần 2 con ốc nằm gọn trong hốc mắt của người đàn bà. Loại ốc biển có tên khoa học là Cyprea arabica- các nhà khoa học Việt Nam gọi là ốc loa hay ốc lợn. Con ốc nằm ngửa trong hốc mắt phải dài 21,61mm, con ốc nằm ngửa trong mắt trái là 27,23mm rộng 16mm. Người xưa đã sử dụng loại ốc này làm đồ trang sức và thay cho tiền tệ, nên còn có tên là ốc tiền.

"Trong lúc khâm liệm, người ta đã đặt lên mỗi mắt một con ốc, để khi phần da thịt tiêu đi, con ốc sẽ tụt xuống hốc mắt như thay cho con mắt. Dựa vào vị trí của xương tay, xương sườn, chậu hông và các đốt bàn tay, bàn chân, chúng tôi cho rằng đây là di cốt chôn nguyên dạng chứ không phải cải táng.
Chưa bao giờ tôi gặp trường hợp như vậy. Đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng không những về mặt cổ nhân học (vì đây là bộ xương phát hiện đầu tiên tại Tuyên Quang) mà còn về mặt tư duy. Khả năng những cư dân thuộc văn hoá Hoà Bình (cách đây khoảng hơn 1 vạn năm) suy nghĩ rằng, người phụ nữ Phia Vài này đang bước sang "một cuộc sống mới", bà ta cũng cần hai con mắt như những người đang sống khác. Lại cũng có thể con cháu bà cho rằng, đặt hai con ốc vào hốc mắt làm cho người quá cố đẹp hơn, sống hơn"- PGS Lân Cường phấn khởi tuyên bố.
Nhổ răng cửa cho…xinh



Cho đến nay, những di cốt người cổ thuộc các nền văn hóa sớm hơn như Hòa Bình, Bắc Sơn, Đa Bút, Quỳnh Văn (thời đại đá mới) hay muộn hơn như văn hóa Đông Sơn, Hạ Long, Sa Huỳnh, Óc Eo (thời đại kim khí) chưa phát hiện có tục lệ nhổ răng. Tục lệ này mới phát hiện thấy ở thời kỳ Phùng Nguyên.
Theo tài liệu ghi lại, những cư dân thời đại đá mới ở Trung Quốc cũng có tục này. Ở một vài nền văn hóa rất sớm, ở Bắc Phi tục nhổ răng để thể hiện nghi thức nào đó.
Tục nhổ răng không chỉ phát hiện ở châu Á, Australia mà còn ở nhiều đảo của Thái Bình Dương.
Cư dân văn hóa Phùng Nguyên (cách đây khoảng 4.000 năm) còn có tục nhổ răng từ khi là… thanh niên. Có khi họ nhổ cả 4 răng cửa dưới và 2 răng ở hai bên. Có những người "chơi trội" hơn, nhổ tất cả răng cửa gồm 8 cái. "Đây là quan niệm thế là đẹp, thế là thẩm mỹ. Sau khi chụp X-quang, chúng tôi không phát hiện ra mầm răng. Điều này chứng tỏ không phải bệnh tật mà là nhổ răng từ thời trưởng thành" - PGS Lân Cường chỉ vào bức hình hộp sọ không còn chân răng nói.

Tục nhổ răng cho xinh này chỉ thấy xuất hiện ở thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên. Sau đó có phát hiện ra ở một số nơi có phong tục nhổ răng khi trưởng thành. Sau này, PGS Lân Cường nghiên cứu thêm mới thấy ở Nhật Bản, Trung Quốc cũng có phong tục này. Hay như ở di chỉ Mán Bạc có phát hiện cái răng mài vát của răng cửa. Đây cũng không phải là vết mòn của răng. Đây cũng là một phong tục của người Việt cổ xưa rất kỳ lạ và "chịu chơi".

Những tập tục như nhuộm răng thì có rất nhiều và kéo dài tới tận thời nay. Nhưng chưa thấy vùng nào người dân lại duy trì tục nhổ hết mảng răng cửa hay mài vẹt hai bên răng cửa cho đẹp như những người dân ở cư dân vùng này. Điều này cũng được PGS Lân Cường đánh dấu nhớ vào một cuốn sổ: Những điều kỳ lạ của người Việt cổ!
Người Việt cổ rất thời trang



Chiếc áo của người Việt cổ có khăn quàng cổ dài nhất lần đầu tiên được tìm thấy.
PGS Lân Cường cho biết, nhìn chung người Việt cổ thấp, chiều cao trung bình chỉ khỏang từ 1,4 - 1,5m nhưng có những ngôi mộ phát hiện được lại cho thấy chiều cao lại từ 1,6 - 1,67m. Như ngôi mộ tìm thấy ở vườn đào Nhật Tân (Hà Nội) năm 2005, chủ nhân chôn trong mộ là một người đàn ông cao 1,62m, gương mặt hình trái xoan khá thanh tú.
Độ tuổi được xác định khi mất khoảng 60-62, thi thể được bảo quản nguyên vẹn. Tóc người đàn ông này được để dài 95cm, buộc dây vải thành lọn phía sau, có nhiều sợi đốm bạc. Toàn bộ thi thể nguyên vẹn có màu da trắng ngà, mặt điểm vết rám đồi mồi.
Điều ngạc nhiên là toàn bộ lục phủ ngũ tạng co vón thành khối trong lồng bụng nhưng bộ phần sinh dục nam lại gần như nguyên vẹn. Ngôi mộ được mở ra có mùi thơm nồng tinh dầu hoàn đàn rủ bám cả vào quần áo, đồ dùng trong mộ. Cũng theo nhiều tài liệu, người xưa đã biết chế những tinh dầu như thế từ các loại cây rừng để dùng ướp xác cho thơm.



Chiếc găng tay đầu tiên của người Việt cổ có đủ 5 ngón


Chiếc áo của người Việt cổ tìm thấy còn lành lặn
"Cuộc sống của người Việt cổ cũng không đến nỗi khốn khó như nhiều người đã nghĩ. Họ chăm chút trang phục, đồ dùng cá nhân rất đẹp. Ví dụ như ngôi mộ này là một điển hình khi người sống trang trí cho người chết cẩn thận" - PGS Lân Cường giới thiệu một bức ảnh tư liệu và kể - "Chủ nhân của ngôi mộ này được mai táng trong tư thế nằm ngửa, đầu hướng về phía đông bắc. Toàn thân mặc nhiều lớp áo và hai chiếc quần, trên thân buộc các nút vải gọn ghẽ, có 7 nút. Ngoài cùng mặc 4 lớp áo lụa tơ tằm phủ suốt thân, áo màu nâu sẫm.
Tiếp theo là 5 lớp áo dài đơn có màu vàng nhạt, cũng bằng lụa tơ tằm. Bên trong là một chiếc áo bằng vải phin có màu xanh sẫm và 9 chiếc áo dài bằng gấm màu nâu nhạt, có thêm nhiều chiếc áo thêu hoa văn rất đẹp. Sát thân là bốn chiếc áo lót ngắn, mỏng, mịn màu vàng nhạt không thêu hoa văn. Phía dưới, chủ nhân được mặc hai lớp quần ngắn lửng, cạp quần viền lớp khá lớn kiểu lá toạ. Vải quần màu vàng nhạt mịn, chất liệu lụa tơ tằm. Hai tay đeo găng bằng gấm có đủ 5 ngón". "Đây cũng là điều lạ khi hàng ngàn mộ trước đó chỉ có thấy túi găng tay, chứ không mộ nào có đủ 5 ngón tay như thế này" - PGS Lân Cường nói.

PGS Lân Cường cho biết thêm, quanh thân mộ chèn nhiều cuộn vải trắng đục, sợi thô dệt ngang, kích thước các cuộn to nhỏ khác nhau. Ngang chân chèn 17 cuộn, khe tay chèn thêm 10 cuộn, khe giữa hai chân là một cuộn dài chạy dọc, hai bên là 21 cuộn nhỏ khác nhau. Trong mộ này còn tìm thấy một cái túi nhỏ đựng 20 chiếc răng nhuộm đen. Đó là một túi gấm nhỏ thêu kim tuyến rất cầu kỳ bằng nửa bàn tay. Miệng túi may gập xuống chứa dây vải để thít miệng túi lại và có 2 hàng rèm, mỗi hàng 4 cánh, xen kẽ chồng kên nhau như những cánh hoa".

"Đấy, qua phần trang phục, quần áo của mộ này, chúng ta thấy họ cũng là những người rất cầu kỳ đấy chứ. Ai bảo người Việt cổ không biết cách chăm lo về hình thức" - PGS Lân Cường kết luận - "Cha ông tổ tiên mình thông minh và khéo tay lắm. Tôi chỉ ví dụ, văn hoa họa tiết của chiếc trống đồng Đông Sơn đó, họ tài tình vẽ những hình rồng bay như thật. Lúc nổi lúc chìm. Chụp rồi in họa tiết đó về làm lại một cái thử như thế, với công nghệ hiện đại như ngày nay còn phải mất hàng tháng, vậy mà còn chưa đẹp bằng tổ tiên mình làm".
Vân Lam

1 nhận xét:

Nguyễn Văn Tuyên nói...

Cảm ơn tất cả những người Việt đã và đang viết lại những trang sử của dân tộc Việt .Thực sự để có một lịch sử Việt Nam đúng với nghĩa của nó cần phải được đông đảo mọi người tìm hiểu và thống nhất có tranh luận đến cái lý chuẩn mực.
Chúng ta rất tự hào là hậu duệ của người Việt!

THƠ-BÀI VIẾT-ÂM NHẠC